Chuẩn bị kỹ nhân lực cho quá trình chuyển dịch năng lượng

Việc bồi dưỡng và nâng tầm kỹ năng cho người lao động là giải pháp cần thiết để hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, chuyển đổi việc trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Đại sứ CHLB Đức TS. Guido Hildner phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Đại sứ CHLB Đức TS. Guido Hildner phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Sáng ngày 20/9, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đã chủ trì Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng công bằng bằng - Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam? Góc nhìn của Đức và Việt Nam về nhu cầu lao động và kỹ năng”.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi năng lượng công bằng có ý nghĩa quan trọng tới phát triển kỹ năng người lao động, thị trường lao động và việc làm trong tiến trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Do vậy, việc bồi dưỡng và nâng tầm kỹ năng cho người lao động là giải pháp cần thiết để hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, chuyển đổi việc làm từ đó duy trì sinh kế và ổn định cuộc sống trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam nhấn mạnh: "Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu với mức trung hòa carbon vào năm 2050. Ở Đức, số lượng nhân viên làm việc trong các ngành nghề có kỹ năng xanh đã tăng 56,7% lên 5 triệu từ năm 2012 đến năm 2020. Điều này cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng là một quá trình phức tạp và đòi hỏi khắt khe nhưng cũng có cơ hội to lớn mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế.

Trong lĩnh vực tạo việc làm xanh, qua mối quan hệ hợp tác lâu dài, phía Đức đã nâng cao quá trình chuyển dịch việc làm cùng các đối tác Việt Nam như kỹ thuật điện, điện tử…, đào tạo kỹ năng cho học viên trong lắp đặt điện mặt trời mái nhà, hàng năm có hàng chục nghìn sinh viên được hưởng lợi tại 11 trường nghề; trong đó 79% sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Các chương trình đào tạo dựa trên tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp các yêu cầu của Việt Nam. Đặc biệt là các chương trình hỗ trợ cho các nhóm thiệt thòi để họ tìm việc làm, bền vững.

"Rõ ràng, quản lý chuyển dịch năng lượng công bằng là vấn đề phức tạp nhưng với nhu cầu lao động cao, Việt Nam sẽ cần các quyết định mang tính lâu dài từ phía nhà nước, sự thúc đẩy sáng tạo đổi mới trong khu vực công và tư nhân, huy động nguồn đầu tư công - tư, đặc biệt trong hiện đại hóa lưới điện cũng như tăng hơn nữa sản xuất điện năng lượng tái tạo", Đại sứ Guido Hildner nói.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Theo ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, với cam kết mạnh mẽ về việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng, ban hành khung khổ chiến lược và chính sách mới liên quan để hiện thực hóa mục tiêu này.

Để đảm bảo chuyển dịch năng lượng hiệu quả, vấn đề chuyển dịch việc làm xanh, tìm kiếm các cơ hội việc làm công bằng trong thị trường lao động liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng là một nội dung quan trọng. Điều này đòi hỏi sự chủ động có chiến lược, kế hoạch đầy đủ cho việc đào tạo, chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng xanh; đảm bảo vừa khai thác, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực hiện có, vừa ứng dụng, phát huy các thành tựu tiên tiến của khoa học, công nghệ, các kỹ năng lao động mới liên quan đến chuyển dịch năng lượng.

Việt Nam hiện là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch với dân số khoảng 100 triệu người; trong đó có 51% là dân số trong độ tuổi lao động. Do đặc điểm về vị trí địa lý, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, đứng thứ 5 về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045, cả nước có trên 75% là năng lượng tái tạo. Các nghiên cứu hiện nay cũng chỉ ra rằng, đối với năng lượng gió và mặt trời, khoảng 25% số việc làm tạo ra là dành cho lao động tay nghề cao. Xu hướng lao động có tay nghề cao trong ngành dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong thập kỷ tới. Do đó, năng lực đào tạo tại các cơ sở đào tạo cần phải thích ứng với xu hướng phát triển này để có thể tạo ra việc làm và đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng kế hoạch triển khai và đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy việc làm và phát triển kỹ năng gắn với dịch chuyển năng lượng ở Việt Nam như: Tạo thêm cơ hội việc làm thông qua hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển các ngành, phát triển các chuỗi giá trị liên quan đến dịch chuyển năng lượng; xây dựng các tiêu chuẩn nghề liên quan đến các ngành, nghề năng lượng tái tạo và thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi năng lượng…/.

Đức Dũng

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuan-bi-ky-nhan-luc-cho-qua-trinh-chuyen-dich-nang-luong/307013.html