Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có tình huống do bão số 6

Hồi 13 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc - 117,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 560km về phía Đông Đông Bắc, sức gió cấp 10, giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

Đồn Biên phòng Lý Sơn, BĐBP Quảng Ngãi chủ động kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: Mai Tuấn

Đồn Biên phòng Lý Sơn, BĐBP Quảng Ngãi chủ động kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: Mai Tuấn

Dự báo đến 13 giờ ngày 26/10, bão số 6 đạt cường độ mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15 trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Đến 13 giờ ngày 27/10, bão trên khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa, cách Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 180km với cường độ cấp 10-11, giật cấp 14. Tới rạng sáng 28/10, bão đổi hướng Đông Đông Nam trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ với cường độ cấp 10, giật cấp 12; sau đó di chuyển theo hướng Đông và tiếp tục suy yếu.

Trước diễn biến của bão số 6, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam đã có công điện gửi các đơn vị: Tổng Cục Chính trị QĐND Việt Nam, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục II, Bộ Tư lệnh các Quân khu 3, 4, 5; Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, BĐBP, Cảnh sát Biển; Bộ Tư lệnh Quân đoàn 12, 3; Bộ Tư lệnh các binh chủng Công Binh, Hóa học, Thông tin liên lạc, Pháo binh, Tăng thiết giáp; Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15, 18 về việc tập trung ứng phó với bão số 6 và mưa lũ.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đại tướng Nguyên Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ứng phó bão số 6, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ ứng trực, chủ động theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến của bão số 6, mưa lũ; kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, bổ sung, điều chỉnh các phương án, kế hoạch phù hợp với thực tế; triển khai các biện pháp phòng, chống, kê kích vũ khí, trang bị, vật chất không để bị ngập lụt, đảm bảo an toàn doanh trại, kho tàng, các công trình đang thi công; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra.

Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu các đơn vị khi cơ động lực lượng và quá trình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn phải bố trí trinh sát đường, quan sát, cảnh giới, thông báo, báo động, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, phương tiện; chủ động phối hợp, hiệp đồng với chính quyền địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bộ Tổng tham mưu yêu cầu Bộ Tư lệnh Quân khu 3, 4, 5 chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động tham mưu với chính quyền địa phương, kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực thấp trũng, thấp, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa và di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm; phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp chính quyền và nhân dân địa phương phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn.

Tàu thuyền tỉnh Quảng Ngãi vào nơi neo đậu an toàn. Ảnh: Mai Tuấn

Tàu thuyền tỉnh Quảng Ngãi vào nơi neo đậu an toàn. Ảnh: Mai Tuấn

Đối với Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng của địa phương quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Kiểm tra, rà soát, hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền, hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn; thường xuyên duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bề, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão số 6 trực tiếp đổ bộ.

Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các phương tiện làm nhiệm vụ trên biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra trên biển, đảo.

Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh đoàn 18 kiểm tra, rà soát kế hoạch, tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh.

Các Quân đoàn, Binh đoàn, Binh chủng chủ động phối hợp, hiệp đồng với chính quyền địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Các Tổng cục theo chức năng nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền làm tốt công tác ứng phó với bão và mưa lũ, bảo đảm an toàn kho xưởng, nhà máy, vũ khí trang bị, chuẩn bị tốt công tác bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật phục vụ công tác ứng phó thiên tai; chủ động phối hợp, xuất cấp và vận chuyển kịp thời vật tư, nhu yếu phẩm, trang bị cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.

Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam đề nghị Tổng cục Chính trị chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí trong quân đội và các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuan-bi-luc-luong-phuong-tien-san-sang-ung-pho-kip-thoi-khi-co-tinh-huong-do-bao-so-6-post482648.html