Chuẩn bị tâm lý để chăm sóc cha mẹ mắc sa sút trí tuệ
Không chỉ bệnh nhân, mà cả người thân của họ cũng phải chuẩn bị tâm lý để đối mặt với chứng sa sút trí tuệ. Bởi đây là căn bệnh dai dẳng và mang tới nhiều rắc rối trong đời sống.
Khi chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ, những thất thường trong tâm trạng trở nên tồi tệ hơn mà bạn không hề nhận ra. Bạn có thể tức giận rồi hối hận, cảm thấy tuyệt vọng rồi lấy lại bình tĩnh, hoặc chán nản rồi lại trở nên hy vọng. Những người chưa từng trải qua thật khó có thể hiểu được cảm xúc của người nhà bệnh nhân. Những cảm xúc phức tạp và mãnh liệt này không có gì sai trái.
Hoặc nếu bạn nghĩ về nó theo một hướng tiêu cực hơn cũng là lẽ thường tình. Cố gắng chịu đựng vô điều kiện thực sự có thể gây ra bệnh nặng hơn. Trước hết, thẳng thắn với cảm xúc và nuôi dưỡng sức mạnh để nhìn nhận tình trạng của bản thân một cách khách quan là con đường tắt để vượt qua căng thẳng.
Khi chăm sóc cho bệnh nhân, đủ loại suy nghĩ xuất hiện trong đầu bạn. Hàng vạn những suy nghĩ khác nhau lướt qua ví dụ như: ‘Tại sao mình lại phải hy sinh cuộc đời mình để chăm sóc cho bệnh nhân như thế này?’, ‘Những người khác chẳng một ai chịu đứng ra giúp đỡ, sao chỉ có mình mình phải chịu trách nhiệm?’, ‘Vất vả là một chuyện, đằng này còn tốn rất nhiều tiền. Sao không một ai chịu hiểu cho mình, mà suốt ngày chỉ biết tuôn ra những lời phàn nàn bất mãn với mình như vậy?’.
Thỉnh thoảng bạn còn cảm thấy tội lỗi vì có những suy nghĩ như ‘Đến khi nào chuyện này mới kết thúc đây?’, ‘Chừng nào họ mới qua đời?’. Hoặc, vài lần mỗi ngày bạn chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng đưa người bệnh vào trong viện điều dưỡng. Và vẫn như mọi khi, sau những suy nghĩ như vậy, cảm giác tội lỗi lại ập đến. Nhưng những suy nghĩ đó của bạn là điều hoàn toàn tự nhiên. Chỉ là, sau những cảm xúc và suy nghĩ như vậy, bạn phải có nghị lực để quay trở lại đúng hướng và lấy lại sự ổn định.
Người nhà đồng thời cũng là người giám hộ cần phải tới gặp bác sĩ khi bản thân bị cảm xúc lấn át, không thể kiểm soát được cơn tức giận và tình trạng trầm cảm kéo dài. Bởi đó là dấu hiệu cho thấy việc chăm sóc bệnh nhân đã vượt ra ngoài khả năng của bản thân.
Sẽ không tốt cho người bệnh nếu người nhà chăm sóc họ trở nên mệt mỏi, nhạy cảm và không thể kiềm chế được cơn tức giận. Trong những trường hợp như vậy, so với ở nhà thì viện điều dưỡng có lẽ sẽ là nơi tốt hơn cho bệnh nhân.
Các thành viên trong gia đình chăm sóc bệnh nhân cũng phải được nghỉ ngơi. Người nhà cũng nên đi gặp gỡ bạn bè, đi xem phim, ăn uống ở những địa điểm ngon. Chuyện phải hy sinh tất cả và chỉ chăm sóc người bệnh sẽ khiến người nhà khó có thể chịu đựng được mỗi ngày. Việc này không chỉ đơn giản là không có khả năng mà bản thân người chăm sóc cũng không mong muốn như vậy.
Một cô con gái đã ly hôn phải chăm sóc mẹ già đã nói với tôi như thế này khi chúng tôi có cuộc trao đổi tại phòng điều trị. “Đến giờ tôi đã quá kiệt sức rồi. Tôi không thể nào chăm sóc cho người mẹ chỉ biết đến bản thân mình như thế được nữa. Tôi rất muốn đưa mẹ vào viện điều dưỡng, nhưng hễ nhìn thấy mặt bà tôi lại thấy thương hại và không đành lòng gửi bà vào đó.
Nhưng tôi quá mệt mỏi, kiệt sức và cả u uất nữa, với tình trạng này tôi e là mình không thể chăm sóc cho bà được. Tôi thấy có lỗi với mẹ quá, tôi không biết phải làm sao… Mẹ tôi nói nếu tôi mệt quá thì cứ để bà vào viện điều dưỡng cũng được. Nhưng tôi biết mẹ tôi chỉ nói như vậy thôi. Tôi có thể nhận ra bà không hề muốn vào đó. Vậy nên giờ tôi không biết phải làm như thế nào? Như thế này không được, như thế kia cũng không được, mọi thứ chỉ khiến tôi thêm khổ sở.”
Câu chuyện này không chỉ của riêng cô con gái kể trên. Đây là cảm xúc và sự lo lắng của đa số các gia đình bệnh nhân sa sút trí tuệ. Thực ra đưa bệnh nhân vào viện điều dưỡng không phải là điều xấu. Nếu việc chăm sóc bệnh nhân khó khăn quá và vượt quá giới hạn của bản thân, tốt hơn hết bạn nên đưa bệnh nhân đến viện điều dưỡng và đến thăm họ thường xuyên.
Sự căng thẳng trong việc chăm sóc bệnh nhân không chỉ kéo dài trong một hoặc hai ngày mà cho đến khi bệnh nhân qua đời, nên việc bạn cố gắng chịu đựng là điều không nên. Các thành viên trong gia đình chăm sóc cho người bệnh cũng phải dành thời gian cho riêng mình và tận hưởng kỳ nghỉ. Dù đôi khi phải nhờ vả đến một thành viên khác trong gia đình hoặc trả tiền thuê người chăm sóc, bạn cũng nên dành thời gian để giảm bớt căng thẳng.
Sẽ tốt hơn nữa nếu bạn gặp được ai đó có hoàn cảnh như mình, cùng tâm sự những câu chuyện của bản thân, sẻ chia những trải nghiệm khó khăn cũng như cảm xúc của mình. Ngoài ra, dù bây giờ bạn đang hy sinh tất cả để chăm sóc bệnh nhân, bạn cũng phải nghĩ đến cuộc sống sau này khi bệnh nhân ra đi.
Nếu đánh mất đi mối quan hệ với tất cả bạn bè và người quen, cuộc sống của bạn sẽ trở nên bất lực, cô đơn hơn khiến bạn ngày càng khó chịu đựng hơn. Bạn phải tìm thấy và giữ được ý nghĩa của cuộc sống ngay cả trong những thời điểm khó khăn, thì sau này bạn mới không phải hối tiếc.
Nguồn Znews: https://znews.vn/chuan-bi-tam-ly-de-cham-soc-cha-me-mac-sa-sut-tri-tue-post1511598.html