Chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới
Chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sẵn sàng với chương trình giáo dục phổ thông mới là những 'hạng mục' mà các địa phương đã sẵn sàng để đón năm học 2023 - 2024.
Thêm cơ sở vật chất
Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Lai Châu dự kiến có 337 trường học với 5.424 lớp và 151.417 học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Lai Châu chỉ đạo các đơn vị trường học tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động tối đa học sinh ra lớp, nhất là học sinh thuộc các xã khu vực III và khu vực II chuyển sang khu vực I, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ, sửa chữa, khởi công xây dựng các công trình để kịp thời bàn giao, đưa vào sử dụng cho năm học mới; mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị phòng học Tin học, Ngoại ngữ, trang bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ mầm non...
Theo Sở GD&ĐT Sơn La, Sơn La có hơn 600 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến THPT. Đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 61%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 72%, cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng/lớp học, đảm bảo dạy học 2 buổi/ ngày đúng theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La Lê Tiến Quân cho biết, ngành GD&ĐT xác định chuẩn bị tốt mọi điều kiện cho năm học mới. Trên cơ sở đó, yêu cầu các trường tùy tình hình thực tế của đơn vị khắc phục mọi khó khăn và chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, nhân sự, huy động tối đa học sinh ra trường, ra lớp theo kế hoạch. Ngoài ra, ngành hướng dẫn công khai khoản thu chi trong nhà trường, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức. Đến nay, các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ đã đảm bảo, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ dạy và học trong năm học mới.
Câu chuyện cơ sở vật chất không chỉ khó ở miền núi, mà còn ở Thủ đô Hà Nội khi gặp phải tình trạng quy mô dân số tăng nhanh dẫn đến tình trạng quá tải trường, lớp.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, một trong những giải pháp quan trọng trong năm học mới là tăng cường các điều kiện hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quyết tâm tổ chức tuyển sinh trực tuyến từ năm học 2024 - 2025 ở tất cả các trường. Giải pháp này nhằm tăng tính minh bạch, công khai và công bằng, từ đó chấm dứt việc phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ.
Thành phố Hà Nội có tình trạng tăng dân số cơ học rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng từ 50.000 đến 60.000 học sinh, tương ứng với việc cần phải xây mới từ 30 đến 40 trường học. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất ở các quận hạn hẹp, việc xây mới trường học rất khó khăn.
Ông Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội vừa có đề nghị các cấp xem xét, cho phép Hà Nội nâng tầng các trường học ở khu vực nội thành. Cùng với các giải pháp quan trọng khác đang triển khai như phát triển mạng lưới trường học; tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, ưu tiên đầu tư cho các trường học ở địa bàn khó khăn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia..., Hà Nội đang nỗ lực khắc phục những mặt còn tồn tại, quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện, giảm dần khoảng cách về chất lượng giữa các địa bàn.
Sẵn sàng đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình mới
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng Vũ Văn Dương, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 516 trường học từ bậc mầm non đến THPT, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 33,53%, đội ngũ cán bộ, giáo viên trên 10.000 người, trong đó hơn 93% giáo viên đạt chuẩn. Toàn tỉnh thực hiện tốt công tác bồi dưỡng chính trị hè, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ... cho đội ngũ nhà giáo, tập huấn cho đội ngũ nhà giáo trực tiếp đứng lớp đối với các khối lớp 4, lớp 8, lớp 11 theo chương trình mới, đáp ứng yêu cầu nâng cao kiến thức, tay nghề của đội ngũ nhà giáo trước năm học mới.
Sở GD&ĐT Lai Châu chỉ đạo các đơn vị rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên đảm bảo cơ cấu phù hợp; bố trí biên chế, tuyển dụng, hợp đồng đảm bảo số lượng giáo viên còn thiếu, đặc biệt giáo viên Tiếng Anh, Tin học và các môn học mới.
Còn theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, với gần 123.000 giáo viên như hiện nay, về cơ bản Hà Nội không thiếu giáo viên; việc thiếu giáo viên chỉ xảy ra cục bộ. Để giải quyết tình trạng này, vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023, trong đó bổ sung cho ngành giáo dục 3.112 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng vừa tổ chức tuyển dụng hơn 600 giáo viên các trường trực thuộc (chủ yếu là các trường trung học phổ thông); các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; đồng thời triển khai ký hợp đồng với 3.112 giáo viên theo nghị quyết của HĐND thành phố. Như vậy, bước vào năm học mới, Hà Nội có hơn 6.000 giáo viên các cấp học được bổ sung vào đội ngũ giáo viên hiện có, đủ để các nhà trường thực hiện chương trình mới đảm bảo chất lượng.