Chuẩn bị tốt việc xuống giống vụ lúa Hè - Thu
Hiện nay lúa Đông - Xuân 2019 - 2020 đã thu hoạch được khoảng 107.000ha, đạt 60% diện tích gieo trồng trên toàn tỉnh. Tại một số địa phương sản xuất lúa 2 vụ/năm thì đây là thời điểm thích hợp để bà con cách ly mầm bệnh, hạn chế ngộ độc hữu cơ và vệ sinh đồng ruộng chờ nguồn nước mưa để gieo sạ vụ Hè - Thu.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sóc Trăng, dòng chảy trên sông Mê Kông về đồng bằng sông Cửu Long trong nửa cuối tháng 2 - 3-2020 ở mức thiếu hụt so với trung bình hàng năm (TBHN) và năm 2016 từ 5 - 20%, nắng nóng tiếp tục gay gắt trong tháng 3 và 4, độ mặn cao nhất trên sông Hậu sẽ xuất hiện vào khoảng nửa cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2020; trên sông Mỹ Thanh và kênh Quản Lộ Phụng Hiệp sẽ xuất hiện trong nửa cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2020. Mùa mưa khả năng sẽ xuất hiện muộn hơn so với TBHN. Tổng lượng mưa tháng 3 - 4-2020 phổ biến thấp hơn TBHN từ 15% - 25%, tuy nhiên tổng lượng mưa các tháng 5 - 8-2020 cao hơn so với TBHN từ 10 - 30%. Trước tình hình thời tiết, thủy văn vẫn còn diễn biến bất lợi trong sản xuất, việc xuống giống lúa Hè - Thu 2020 cần tập trung xuống giống vào tháng 5 để hạn chế rủi ro do ảnh hưởng khô hạn và mặn. Cần chú ý tình hình rầy nâu di trú và các khu vực ảnh hưởng nhiều bởi xâm nhập mặn và thiếu nước vào đầu vụ.
Nông dân cần áp dụng đúng lịch thời vụ
Nhằm đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế cho vụ Hè - Thu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) đã xây dựng khung lịch thời vụ gieo sạ cho từng địa phương cụ thể để chính quyền địa phương khuyến cáo đến bà con nông dân cũng như góp phần giúp nông dân gieo sạ đồng loạt, tránh bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi. Phó trưởng Phòng Trồng trọt (Chi cục TT- BVTV) Ngô Thanh Loan cho biết: “Bắt đầu vào vụ Hè - Thu, bà con nông dân cần lưu ý là phải gieo sạ theo lịch thời vụ của ngành chuyên môn khuyến cáo cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật trên đồng ruộng, đặc biệt là cần gieo sạ đồng loạt, tập trung và né rầy. Riêng những khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn phải rửa mặn, phèn thật kỹ trước khi xuống giống".
Theo đó, lịch xuống giống được chia làm 3 đợt. Đợt 1: xuống giống cuối tháng 4 (dương lịch), chiếm 15% diện tích khoảng 21.000ha, chủ yếu ở những vùng chủ động nguồn nước tưới tiêu, khu vực có nguồn nước ngọt, một phần thuộc diện tích các huyện: Mỹ Tú, Thạnh Trị và TX. Ngã Năm. Đợt 2: xuống giống trong tháng 5 (dương lịch), chiếm khoảng 45% diện tích 63.000ha, tập trung xuống giống hầu hết ở các huyện: Châu Thành, Kế Sách và một phần Mỹ Tú, Thạnh Trị, Long Phú, TX. Ngã Năm. Đồng thời, đợt 3 sẽ kết thúc gieo sạ trong tháng 6 (dương lịch), chủ yếu ở diện tích 57.200ha tập trung tại các huyện: Mỹ Xuyên, Trần Đề, Thạnh Trị, Châu Thành, một phần huyện Long Phú, TP. Sóc Trăng do đây là vùng đất cao, ảnh hưởng mặn không xuống giống được do chưa chủ động được nguồn nước, phụ thuộc vào nguồn nước mưa…
Xuống giống vụ hè - thu đảm bảo năng suất
Trần Đề là một trong những địa phương có diện tích đất gieo sạ lúa đặc sản, cao sản lớn và trong vụ Hè - Thu, dự kiến xuống giống khoảng 5.000ha các giống lúa đặc sản, cao sản. Vì vậy, huyện đang khuyến cáo nông dân chuẩn bị tốt khâu làm đất chuẩn bị vụ mùa. Trưởng Trạm TT-BVTV Trần Đề Trần Thanh Bạch cho biết: “Huyện đang vận động nông dân thu hoạch lúa Đông - Xuân xong, tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, cày ải để phân hủy rơm rạ, diệt lúa rài, lúa chét và mầm bệnh. Đồng thời, trước khi xuống giống khoảng 2 tuần, bón lót vôi (đá vôi nung) từ 300 - 500kg/ha. Sau khi bón vôi, cho nước vào ruộng ngâm tối thiểu khoảng 2 tuần để độc chất mặn, phèn đi ra dung dịch đất, xả bỏ nước trong ruộng đến cạn. Sau đó cho nước vào đo lại, độ mặn < 1‰ và pH đất từ > 5,5 - 7 thì mới được xuống giống. Trong ruộng đánh nhiều rãnh với chiều rộng rãnh 20cm, sâu 20cm, khoảng cách giữa các rãnh là 6m. Bên cạnh đó, để tăng sức chống chịu cho hạt giống trong điều kiện bất lợi của môi trường, có thể xử lý hạt giống trong lúc ngâm ủ bằng các loại như Nyro 0,01SL, Com cat 150WP… và đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 15 - 20 ngày (đối với những vùng 3 vụ/năm). Riêng về giống cần dùng giống cấp xác nhận, ít nhiễm sâu bệnh, mật độ sạ hợp lý 80 - 100kg/ha…”.
Ông Cao Sên, ở ấp Đào Viên, xã Viên Bình (Trần Đề) chia sẻ: “Để vụ Hè - Thu tới hiệu quả, tôi xuống giống theo lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn. Trước lúc xuống giống tiến hành làm đất ruộng cho bằng phẳng, chọn giống cấp xác nhận và ít nhiễm sâu bệnh, thị trường dễ tiêu thụ nên sẽ sạ giống Đài Thơm 8 và ST24/2ha ruộng. Sau xuống giống áp dụng các biện pháp canh tác lúa theo hình thức 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và lợi nhuận cao…”.
Theo Phó trưởng Phòng Trồng trọt (Chi cục TT-BVTV) Ngô Thanh Loan thì thường vào đầu vụ Hè - Thu thời tiết nắng nóng, khô hạn nên bà con nông dân cần lưu ý một số dịch hại đầu vụ là bọ trĩ hay còn gọi là bù lạch, bọ trĩ thường hại nặng những ruộng thiếu nước. Do đó, cách để phòng ngừa bọ trĩ gây hại là không để ruộng bị khô, bón phân cân đối. Nếu ruộng đã bị bọ trĩ gây hại thì cho nước vào ngập ruộng, bón thêm phân bón giúp cây hồi phục nhanh. Còn với những ruộng lúa bị khô không thể đưa nước vào ruộng, khi mật số bọ trĩ cao cần điều tra số lượng thiên địch trước khi quyết định xử lý thuốc. Ngoài ra, bà con cần lưu ý thêm một số đối tượng dịch hại như: ốc bươu vàng, chuột, rầy nâu…