Chuẩn hóa đào tạo nhân lực vận hành dự án đường sắt đô thị
Đối với các dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam, hiện chưa có chuẩn đào tạo nhân sự chung mà mỗi dự án đào tạo một kiểu.
Chính vì thế, nhân sự được đào tạo xong không được cấp bằng hay chứng chỉ chung, nếu chuyển qua làm việc tại dự án khác phải đào tạo, sát hạch lại.
Toàn bộ lái tàu của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đều đã qua đào tạo nghiêm ngặt để phục vụ cho quá trình vận hành, khai thác thương mại dự án. Ảnh: Tạ Hải
Bất cập đào tạo theo dự án
Ngày 6/11, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội tổ chức bàn giao, tiếp nhận để đưa vào khai thác, vận hành chở khách.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, để tuyến này đi vào vận hành, trước đó đã mất nhiều năm để đào tạo hàng trăm nhân sự quản lý, khai thác chạy tàu.
“
Việc đào tạo theo dự án có nhiều ưu điểm vì có hiện trường để đào tạo tại chỗ, thực hành; Có nguồn kinh phí trong nguồn vốn thực hiện dự án. Mặt khác, nguồn nhân lực trình độ cao tham gia cũng như được đào tạo trong quá trình triển khai dự án sẽ nhanh hơn.
Tuy nhiên về lâu dài, khi đường sắt nội đô phát triển cần nguồn cung nhân lực sẵn có, cần có nguồn nhân lực được đào tạo chuẩn chung, thay vì chỉ theo dự án như hiện nay.
Ông Nguyễn Ân, chuyên gia giao thông
”
Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng Đường sắt cho biết, từ nhiều năm trước, trường đã tiến hành đào tạo nhân lực cho tuyến Cát Linh - Hà Đông theo đặt hàng của Ban QLDA Đường sắt, sau này là Hanoi Metro.
Theo đó, từ năm 2013, có 37 học viên được đưa đi đào tạo chức danh lái tàu tại Bắc Kinh. Các chức danh khác, trường phối hợp với chuyên gia Trung Quốc đào tạo tại trường và trên thực địa.
Theo ông Tuấn, hiện cả 3 tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại Việt Nam gồm Bến Thành - Suối Tiên, Nhổn - Ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông đều đào tạo nhân sự theo dự án.
Bản thân trường Cao đẳng Đường sắt đang đào tạo cũng đào tạo cả trăm nhân sự cho tuyến Nhổn - Ga Hà Nội và tuyến Bến Thành - Suối Tiên.
Ông Tuấn cho rằng, việc đào tạo theo dự án thuận lợi ở chỗ có nguồn kinh phí và đào tạo nhanh, nhưng bất cập là sẽ không chủ động được nguồn nhân lực khi thiếu hụt.
Thực tế, tại dự án Cát Linh - Hà Đông, nhiều học viên sau khi đào tạo, chưa được đi làm nên đã bỏ, không theo nghề. Khoảng 3 - 4 năm nay, năm nào dự án Cát Linh - Hà Đông cũng phải tuyển học viên mới để đào tạo bổ sung.
Tháng 7/2021 vừa qua, Hanoi Metro cũng phải tuyển thêm 82 nhân viên cho tuyến Nhổn - Ga Hà Nội và dự phòng cho tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Nguyên nhân, theo ông Tuấn là do hiện vẫn chưa có chuẩn đào tạo chung cho đường sắt đô thị mà đào tạo theo dự án, mỗi dự án một kiểu. Việc đào tạo nhân sự theo dự án hiện nay là để chuyển giao công nghệ, phục vụ trực tiếp tuyến đó; không cấp bằng, chứng chỉ chung. Do đó, chức danh tuyến này sang tuyến khác làm việc sẽ phải đào tạo, sát hạch lại, đủ điều kiện mới được cấp phép làm việc. Như vậy sẽ tốn kém chi phí của người lao động và của cả đơn vị khai thác tuyến.
Mặt khác, theo ông Tuấn, chi phí đào tạo đối với mỗi dự án đường sắt đô thị hiện nay rất lớn. Có tuyến bóc tách kinh phí đào tạo riêng, có tuyến kinh phí “ẩn” trong các gói thầu, nhưng thường khoảng vài triệu USD.
Như tuyến Cát Linh - Hà Đông dành riêng 5 triệu USD cho đào tạo chung cả dự án. Trong khi đó tuyến Nhổn - Ga Hà Nội lái tàu, nhân viên toa xe sẽ đào tạo theo gói thầu cung cấp đầu máy - toa xe, nhân lực thông tin tín hiệu sẽ đào tạo theo gói thầu cung cấp thông tin tín hiệu...
Xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn chung
Đào tạo thực tế tại trung tâm điều hành OCC tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông
Trước thực tế không chủ động được nhân lực cho khai thác tuyến, thường xuyên phải đào tạo dự phòng, ông Vũ Hồng Trường cho rằng, về lâu dài nên “nội địa hóa” các lĩnh vực đường sắt đô thị, bao gồm cả đào tạo.
Ông Bùi Anh Tuấn cho hay, thực ra Bộ GTVT đã lường trước thực tế này và đã giao cho trường xây dựng đề án chuẩn bị nguồn nhân lực cho vận hành, khai thác đường sắt đô thị cách đây vài năm. Trên cơ sở đó Bộ vận động, đàm phán nguồn tài trợ từ Nhật Bản.
Sau thời gian dài chuẩn bị, thực hiện các thủ tục, trung tuần tháng 10/2021 vừa qua, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ GTVT đã ký biên bản thảo luận (R/D) Dự án Hợp tác kỹ thuật tăng cường năng lực đào tạo ĐSĐT cho trường Cao đẳng Đường sắt.
Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực đào tạo nhân lực và vận hành đường sắt đô thị Việt Nam. Dự án có tổng mức vốn 3,5 triệu USD, dự kiến được thực hiện trong 4 năm, từ tháng 1/2022 - 1/2026.
Thông tin cụ thể, ông Bùi Anh Tuấn cho biết, Dự án được JICA tài trợ với kế hoạch xây dựng các giáo trình và các chương trình đào tạo về đường sắt đô thị, đào tạo đội ngũ giảng viên, đề xuất hoàn thiện cơ sở và hành lang pháp lý cùng các hướng dẫn cho đào tạo nhân lực, cung cấp các giải pháp và nâng cao hiểu biết về an toàn vận hành.
Dự kiến, chuyên gia Nhật Bản sẽ xây dựng các chương trình, giáo trình theo tiêu chuẩn của Nhật cũng như các quy định của Việt Nam; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, giảng dạy từ hệ Cao đẳng trở xuống; xây dựng mô hình thực hành; xây dựng Trung tâm Đào tạo đường sắt đô thị.
Các nội dung sẽ được triển khai dần và hoàn thành nội dung nào sẽ áp dụng luôn nội dung đó vào đào tạo, trước tiên là đào tạo nhân lực phục vụ cho tuyến Bến Thành - Suối Tiên.
“Với hỗ trợ này của JICA, trường sẽ có được chương trình đào tạo chung, là chuẩn chung theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhất là lái tàu. Sau đào tạo, học viên có thể làm việc được trên các tuyến đường sắt đô thị theo các công nghệ khác nhau”, ông Tuấn nói.
Đánh giá cao việc xây dựng chương trình đào tạo nhân lực đường sắt đô thị theo chuẩn chung này, một giảng viên trường Đại học GTVT chuyên về đào tạo kỹ sư xây dựng công trình đường sắt đô thị cho biết, việc đào tạo theo dự án là một cách đào tạo chuyên sâu, “cầm tay chỉ việc”, cũng rất cần thiết.
Tuy nhiên, vẫn nên đào tạo theo chuẩn chung, bài bản, sau đó phải được thực hành, đào tạo thêm theo thực tế mỗi dự án, mỗi tuyến vì công nghệ có những điểm khác biệt.