Chuẩn hóa hàng nông sản là vấn đề lớn với ngành Nông nghiệp

Sáng 21-8, trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng nông sản là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở nước ta hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) về chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ, mở rộng thị trường cho nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, mở cửa thị trường là chủ trương nhất quán để tiêu thụ nông sản từ trong nước cho đến xuất khẩu.

Nhấn mạnh các giải pháp mở cửa tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương liên tục có những Nghị định thư với các nước về xuất khẩu. Trong đó, việc chuẩn hóa tất cả tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn.

“Chúng ta không thể nói vấn đề thị trường nếu hàng hóa không đạt được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp nước ta”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tính manh mún. Chính sách liên kết, tích tụ ruộng nhỏ thành ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ để có chính sách phù hợp, khi đã có chính sách thì địa phương cần hành động quyết liệt.

Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là một giải pháp tạo giá trị gia tăng giá trị cho nông sản. “Đến nay, đã có hơn 13 nghìn sản phẩm OCOP, nếu chúng ta thực hiện tốt việc này sẽ giải tỏa được áp lực thị trường, đồng thời tạo ra sinh kế, việc làm cho bà con nông dân”, Bộ trưởng nói.

Đối với vấn đề nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp các đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng khẳng định, nếu có thương hiệu sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đang phối hợp xây dựng thương hiệu của nông sản.

“Muốn vậy, chúng ta phải có vùng nguyên liệu tập trung để có sản phẩm đồng đều, đồng thời quy chuẩn hóa nông sản chủ lực, xây dựng thiết chế bảo vệ hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn

Trả lời về các giải pháp gỡ “thẻ vàng” IUU đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, giải pháp chủ yếu vẫn là thực hiện tốt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, phát triển thủy sản dựa trên ba trụ cột: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chuan-hoa-hang-nong-san-la-van-de-lon-voi-nganh-nong-nghiep-675392.html