Chùm ảnh: Hàng trăm ngôi nhà ở Đắk Lắk, Đắk Nông bị ngập
Mưa lớn kéo dài làm ngập hàng trăm nhà dân ở huyện biên giới Ea Súp (Đắk Lắk) và TP Gia Nghĩa (Đắk Nông).
Chiều 31-7, trao đổi với PLO ông Nguyễn Bá Bân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cho biết mưa lớn kéo dài đã làm làm ngập nhiều căn nhà (xã Ea Rốk có 54 nhà, Ia JLơi có một nhà, Ia Lốp có 73).
Ông Bân thông tin thêm, thống kê số liệu ban đầu cho thấy, có khoảng 2.256ha cây trồng bị ngập. Trong đó, lúa: 1.437 ha; ngô: 179 ha; mỳ: 312 ha; đậu: 132,7 ha…
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ea Súp thông tin thêm, một số tuyến đường liên xã bị ngập, giao thông tạm thời bị chia cắt. Trong đó, riêng tại Quốc lộ 14C (đoạn đường từ thôn 8 xã Ia Rvê đi qua xã Ia Lốp), nước ngập sâu trên 1 m (hiện chưa lưu thông được).
“Thủy lợi bị sạt lở và một số công trình khác, hiện nay nước chưa rút nên chưa thống kê được. Huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chủ động tổ chức công tác ứng phó, trực ban 24/24 giờ, theo dõi diễn biến thời tiết để cảnh báo cho người dân, hỗ trợ người dân có nhà bị ngập và di dời tài sản đến nơi an toàn”, ông Nguyễn Bá Bân cho hay.
Trong khi đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã họp khẩn về công tác phòng, chống lụt bão.
Theo báo cáo, hiện tại có 64 hộ dân tại các phường Nghĩa Tân, Nghĩa Trung và Quảng Thành bị ngập. Hiện các xã, phường đã di dời người dân bị ngập đến nơi an toàn.
Nhiều vị trí tại phường Quảng Thành, phường Nghĩa Trung, xã Đắk Nia có nguy cơ sạt lở đất. Nhiều diện tích cây trồng, hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập nước gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Gia Nghĩa chỉ đạo Phòng Kinh tế và các đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống mưa, bão.
Hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các phương án xử lý những vị trí đã bị sạt lở. Thường xuyên cập nhật về diễn biến của bão, mưa lớn.
Địa phương rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó bão, ngập lụt, nhất là sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó.
Nguồn PLO: https://plo.vn/chum-anh-hang-tram-ngoi-nha-o-dak-lak-dak-nong-bi-ngap-post744704.html