Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp 'cân não' giáo viên

Giáo viên tưởng thở phào nhẹ nhõm, mừng như 'bắt được vàng' khi 2 chứng chỉ tin học và ngoại ngữ được xóa bỏ thì nay lại phải bỏ tiền túi ra học để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp...

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đang 'làm khó' giáo viên. (Ảnh: YN)

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đang 'làm khó' giáo viên. (Ảnh: YN)

Ngày 2/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một chùm các Thông tư 01, 02, 03 và 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Điểm mới được nhiều nhà giáo quan tâm là việc điều chỉnh quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Theo đó, hai chứng chỉ tin học và ngoại ngữ đã bao năm “hành” giáo viên nay chính thức được xóa bỏ.

Tuy nhiên, xóa bỏ hai loại chứng chỉ này lại “đẻ” ra loại chứng chỉ khác. Nếu như với tin học và ngoại ngữ, mỗi giáo viên chỉ cần hai tờ chứng chỉ là đủ thì chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên phải có nhiều hơn thế. Thậm chí, có thầy cô giáo phải “cõng” tới ba cái chứng chỉ chức danh.

Đồng thời, giáo viên hoang mang, lo lắng trước thông tin từ ngày 20/3, chùm thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập có hiệu lực. Theo đó, giáo viên ở hạng nào, ứng với chứng chỉ chức danh hạng đó. Trong khi đó, Sở, Phòng liên tục gửi công văn về trường thông báo chiêu sinh lớp học càng khiến người thầy hoang mang hơn.

Bài toán đi học lấy chứng chỉ hay không đi được nhiều thầy cô mang ra “cân não”. Đi học sẽ mất hai triệu rưỡi, mất hơn nửa tháng lương của giáo viên có thâm niên công tác 5 năm. Không đi học ngộ nhỡ bị xuống hạng hoặc không được thăng hạng thì sao?

Thế là, ai cũng “tặc lưỡi” thà mất vài triệu còn hơn một tháng mất vài trăm. Đi học mà lòng ai cũng thấy xót xa, thấy lãng phí.

Đặc biệt, nhìn vào 10 nội dung cần bồi dưỡng thì cả 10 chuyên đề không có nội dung nào mới hay nói cách khác, những nội dung của từng chuyên đề đã quá cũ, quá quen thuộc với giáo viên.

Đó là những nội dung mà giáo viên đã học trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên hằng năm, nội dung sinh hoạt trong tổ chuyên môn hằng tháng, nội dung giáo viên đã được học tại trường sư phạm hay những kiến thức học trong thực tế tại nơi giảng dạy.

Phải khẳng định ngay rằng, giáo viên không cần cái giấy chứng nhận chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vẫn dạy học và giáo dục học sinh tốt. Thực tế đã cho thấy bao năm qua, giáo viên không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhưng ngành giáo dục vẫn gặt hái rất nhiều thành công cả trong nước và trên đấu trường quốc tế.

Nay, thông tư quy định phải có chứng chỉ nghề nghiệp dẫn đến nhiều thầy cô đi dạy hơn 20 năm, có người gần về hưu bỗng chốc phải “vét hầu bao” để đi học vài ba bữa cố lấy cái giấy hợp pháp kẹp hồ sơ. Hỏi có phi lý hay không?

Điều mong muốn của nhiều giáo viên lúc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy bãi bỏ quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như bãi bỏ hai loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Giáo viên cần có thời gian, sức lực chăm lo cho việc dạy và giáo dục học sinh, cùng với đó là việc tìm hiểu và học các modun về chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Thực tế, việc ngày đêm lo lắng về học phí học chứng chỉ, dành thời gian để học lấy hết chứng chỉ này đến chứng chỉ khác chỉ để làm đẹp hồ sơ càng làm cho đời sống nhà giáo vốn khó khăn càng trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, vô hình trung làm cho lòng nhiệt huyết với nghề cũng bị mai một.

Học lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp gồm những nội dung gì? Chuyên đề 1: Lý luận về Nhà nước và hành chính Nhà nước. Chuyên đề 2: Chiến lược và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Chuyên đề 3: Quản lý giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chuyên đề 4: Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường. Chuyên đề 5: Tổ chức hoạt động dạy học, xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường. Chuyên đề 6: Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên. Chuyên đề 7: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Chuyên đề 8: Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường. Chuyên đề 9: Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên. Chuyên đề 10: Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển.

* Giáo viên ở Bình Thuận. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-can-nao-giao-vien-138854.html