Chung cư Hà Nội thi nhau lập 'vùng xanh' bảo vệ cư dân giữa đại dịch COVID-19
Để bảo vệ cư dân giữa đại dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, nhiều khu chung cư trên địa bàn Hà Nội đã thiết lập 'vùng xanh', thành lập Tổ COVID -19 cộng đồng, thiết lập chợ cư dân,...trong thời gian giãn cách xã hội.
Nhiều khu chung cư trên địa bàn Hà Nội đã thiết lập “vùng xanh”, khu vực kiểm soát ra vào trước mỗi tòa nhà để bảo vệ cư dân trước đại dịch COVID -19. Tại khu vực không có dịch, gọi là “vùng xanh”, người dân ngoài việc chấp hành chỉ ra đường khi cần thiết, thành lập các khu vực tự quản, lập “chốt bảo vệ vùng xanh (vùng không có dịch)”; “Tổ tự quản an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID -19” do chính khu dân cư, tổ dân phố lập nên.
Theo ghi nhận tại chung cư Hòa Phát ở phường Tương Mai (quận Hoàng Mai), ngay sau khi nhận được công văn thành lập tổ tự quản an toàn phòng, chống dịch COVID -19 của chính quyền, chốt “vùng xanh” trước cổng tòa nhà đã được dựng lên.
Các chốt tự quản do thành viên của tổ tự quản thay phiên trực tại các khu vực tự quản để quản lý “vùng xanh” theo mô hình “3 lớp”, “4 tại chỗ”; thực hiện tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện quản lý địa bản 24/24/7 để quản lý không cho người lạ vào khu vực, kiểm tra và ngăn chặn những người ra đường không có lý do chính đáng để yêu cầu thực hiện theo đúng quy định về giãn cách; không cho các cư dân tự ý chuyển đồ từ những người lạ vào trong khu dân cư theo dõi, phát hiện sớm các yếu tố dịch tễ tại khu vực để thông báo cho Trạm y tế xử lý theo quy định, theo dõi, quản lý các trường hợp phải thực hiện các biện pháp y tế.
Chị Bùi Sưởng, thành viên Tổ COVID-19 cộng đồng chung cư Hòa Phát cho biết: “Tổ dân phố chúng tôi đứng ra thành lập theo hướng dẫn, kết hợp với bảo vệ tòa nhà để cùng giám sát việc ra vào tòa nhà của cư dân cũng như người mua hàng siêu thị, shipper. Tổ có 10 thành viên chia thành các ca, mỗi ca kéo dài 4 giờ, ca đêm từ sau 21h đến 6h hôm sau, sau đó thì bảo vệ tòa nhà sẽ trực. Tòa nhà còn liên tục tuyên truyền về các vấn đề COVID -19 trên group cư dân và việc này được mọi người ủng hộ".
Đồng thời, tòa nhà còn tự lập quỹ trên tinh thần tự nguyện của các hộ dân, để có thêm ngân sách hoạt động; tổ chức lấy dữ liệu xem có hoàn cảnh khó khăn nào cần giúp đỡ.
Đối với vấn đề cung ứng thực phẩm cho các cư dân, chị Bùi Sưởng cho biết tòa nhà có 'chợ cư dân' nên thực phẩm không lo thiếu, kể cả tình huống xấu nhất xảy ra: “Chợ cư dân, ai có mối thực phẩm gần, nguồn cung cấp tốt sẽ vào một nhóm để định kỳ gom hàng 1 lượt. Do đó cư dân không cần đi ra chợ mà vẫn đủ thực phẩm. Tại chốt “vùng xanh” có bàn giao nhận đồ riêng, khi ship đến giao đồ sẽ để ở bàn này rồi gọi điện cho cư dân xuống lấy nên sẽ tránh được việc cư dân tiếp xúc với ship… Chúng tôi còn đề nghị mỗi lượt thang máy chỉ 1 người hoặc 1 gia đình đi để hạn chế việc tập trung đông người, tránh việc lây nhiễm chéo. Mọi người đều rất tự giác tuân thủ”, chị Bùi Sưởng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Ban quản lý và cư dân còn hỗ trợ cung ứng thực phẩm, vệ sinh, vứt rác và diệt khuẩn tòa nhà định kỳ.
Để tránh nguy cơ lây nhiễm COVID -19 trong thời gian giãn cách xã hội, khu chung cư yêu cầu mỗi lượt thang máy chỉ 1 người hoặc 1 gia đình đi. (Ảnh: Bùi Sưởng)
Hình ảnh “vùng xanh” tại một số tòa chung cư trên địa bàn Hà Nội:
Theo đó, Ban quản lý chung cư 170 Đê La Thành cùng Công ty vận hành dịch vụ sẽ phối hợp tổ dân phố triển khai kiểm soát người ra vào tại tòa nhà và phân luồng lại giao thông (sảnh tầng 1 chỉ có 1 lỗi ra vào tại sảnh giữa tòa nhà) để đảm bảo sự an toàn của cư dân trước đại dịch COVID-19.
Mô hình “vùng xanh” ra đời nhằm đảm bảo không có dịch lọt vào khu dân cư, nếu có cũng không lây nhiễm chéo trong thời gian vàng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Tại Công điện 18, UBND TP Hà Nội đề nghị mỗi người dân ở vùng xanh ngoài việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết cũng nên phát huy vai trò cùng tham gia thành lập các khu vực tự quản. Chính quyền cơ sở thường xuyên tuyên truyền, kiểm soát việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh.