Chung cư mới Hà Nội đa phần có giá 50 - 70 triệu đồng/m2; CapitaLand thành lập quỹ 600 triệu USD
Chung cư mới tại Hà Nội đa phần có giá 50 - 70 triệu đồng/m2; Bắc Giang thu hồi gần 1 triệu m2 đất lúa để làm nhà ở; Khánh Hòa dự kiến đầu tư gần 1,3 triệu tỷ đồng để phát triển đô thị.
Chung cư mới tại Hà Nội đa phần có giá 50 - 70 triệu đồng/m2
Theo báo cáo quý IV/2023 của Savills, khoảng giá phổ biến của phân khúc cao tầng và thấp tầng tại Hà Nội vẫn neo ở mức cao. Trong đó, các căn hộ có giá 51 - 70 triệu đồng/m2 chiếm tới 63% nguồn cung mới, tăng 24% theo năm.
Nếu xét trong phạm vi những giao dịch thành công, số căn hộ trong khoảng giá này chiếm khoảng 49%, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng chiếm 42% số lượng căn bán được trong năm 2023. Trước đó, con số này trong năm 2019 chỉ vỏn vẹn 3%. Các căn hộ có giá dao động khoảng 2 - 4 tỷ đồng chiếm 55% thị phần. Với các căn có giá dưới 2 tỷ đồng, số lượng chỉ chiếm khoảng 3%.
"Phân khúc nhà ở vẫn tiếp tục đà tăng trưởng về giá là do chi phí đất và chi phí xây dựng tăng, cơ sở hạ tầng phát triển và chất lượng được cải thiện. Việc hạn chế về nguồn cung trên thị trường vẫn còn tiếp tục, dẫn đến giá bán sơ cấp trung bình toàn thị trường tiếp tục tăng cao", bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội, cho biết.
Bắc Giang thu hồi gần 1 triệu m2 đất lúa để làm nhà ở
Mới đây, HĐND tỉnh Bắc Giang đã thông qua 37 dự án cần thu hồi đất với tổng diện tích đất thu hồi hơn 1 triệu m2, trong đó đất trồng lúa chiếm gần 774.000 m2. Động thái thu hồi này nhằm mục đích xây dựng các khu đô thị và nhà ở xã hội.
Theo danh sách được tỉnh công bố, một số dự án thu hồi lượng diện tích trồng lúa lớn, chẳng hạn như khu số 1, thuộc khu đô thị số 11, 12 (huyện Yên Dũng). Nơi đây sẽ thu hồi tổng cộng 187.000 m2 đất, trong đó có hơn 180.000 m2 là đất lúa.
Ngoài ra, khu nhà ở xã hội Vân Trung (huyện Việt Yên) cũng thu hồi tới 77.000 m2 đất, trong đó gồm 71.000 m2 đất lúa và 6.000 m2 đất khác.
Khánh Hòa dự kiến đầu tư gần 1,3 triệu tỷ đồng để phát triển đô thị
UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây đã phê duyệt chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, các dự án đầu tư phát triển đô thị sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác ngoài đầu tư công được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho từng giai đoạn hàng năm, 5 năm và 10 năm.
Dự kiến tổng nhu cầu kinh phí thực hiện chương trình tính đến năm 2030 (nguồn vốn đầu tư toàn xã hội) khoảng 1,29 triệu tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 là 549.053 tỷ đồng; giai đoạn 2025 - 2030 là 749.947 tỷ đồng.
Trong nội dung chương trình, đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó có 2 thành phố (thành phố Nha Trang, thành phố Cam Lâm); 2 thị xã (thị xã Diên Khánh, thị xã Vạn Ninh); 3 huyện (huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh, huyện Trường Sa) và 2 quận (quận Ninh Hòa, quận Cam Ranh).
Quận Ninh Hòa thành lập trên cơ sở một phần diện tích, dân số thị xã Ninh Hòa và nghiên cứu tách một số xã phù hợp để sáp nhập sang các địa phương khác bảo đảm tiêu chí lên quận.
Bình Định đấu giá 3 khu đất có giá gần 366 tỷ đồng
UBND tỉnh Bình Định phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án khu chung cư thương mại dọc đường Huỳnh Tấn Phát, phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, Bình Định.
Theo đó, khu đất đấu giá có diện tích 1.556 m2, trong đó đất xây dựng công trình gần 934 m2. Dự án có có tối đa 2 tầng hầm và tối đa 18 tầng nổi. Chi phí thực hiện dự án gần 237 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất).
Ngoài ra, UBND tỉnh còn ban hành phương án đấu giá quyền sử dụng đất thuê cho hai khu đất tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Cụ thể, khu đất tại phường Trần Quang Diệu sẽ dùng để xây dựng khu dịch vụ thương mại thuộc khu đô thị mới Long Vân. Tổng vốn đầu tư tối thiểu là 85 tỷ đồng.
Một khu đất khác tại phường Nhơn Bình sẽ dùng để xây dựng chợ thuộc tại khu đô thị mới An Phú Thịnh. Tổng vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án là 43,5 tỷ đồng.
CapitaLand thành lập quỹ 600 triệu USD, nhắm vào căn hộ dịch vụ
CapitaLand Investment đã thành lập một quỹ tư nhân mới có tên CapitaLand Ascott Residence Asia Fund II (Clara II). Theo đó, quy mô vốn chủ sở hữu mục tiêu sẽ rơi vào khoảng 600 triệu USD, tập trung vào căn hộ dịch vụ và bất động sản lưu trú tại các thị trường châu Á.
Phía doanh nghiệp cho biết đã chốt được giao dịch đầu tiên với cam kết từ các nhà đầu tư tổ chức ở châu Âu và châu Á. Trong đó, CapitaLand sẽ nắm giữ 20% cổ phần tài trợ trong quỹ, trong khi 80% còn lại sẽ thuộc về các nhà đầu tư tổ chức bên thứ ba.
Ban đầu, quỹ sẽ mua lại hai bất động sản co - living ở Singapore và Tokyo từ Ascott, dưới thương hiệu "lyf". Hai bất động sản này sẽ mở cửa đón khách hàng trong năm nay.