Chứng khoán 2022: Sẵn sàng đối mặt với biến động
Chứng khoán là một trong những kênh đầu tư hiệu quả nhất năm 2021. Có nhiều yếu tố cho thấy, thị trường có thể biến động mạnh trong năm 2022.
Chính sách tiền tệ dần thắt chặt trên phạm vi toàn cầu
Ngay trong những ngày đầu năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã gây sóng gió khi ngày 5/1 công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 12/2021 với khả năng giảm hơn nữa quy mô nắm giữ tài sản của Ngân hàng Trung ương (chấm dứt việc mua trái phiếu ngay trong quý I/2022) và sớm tăng lãi suất để ứng phó lạm phát (dự kiến có 3 lần tăng lãi suất trong năm 2022).
Không ít thị trường cổ phiếu từ Mỹ, châu Âu đến châu Á đã xuất hiện những phiên giảm điểm mạnh.
Ngoài chủ đề thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa của nhiều quốc gia gây ra những cú sụt giảm tiềm tàng của thị trường tài chính, thì vấn đề về nợ (nợ công lẫn nợ khu vực tư nhân) hậu Covid-19, thị trường bất động sản Trung Quốc… có thể tác động mạnh đến thị trường. Thế giới đã và đang “bình thường mới” với đại dịch, tuy nhiên, khả năng về những biến chủng mới vẫn là vấn đề không thể dự báo và lường trước.
Biến động ở đây không chỉ được nhắc đến trên phạm vi hẹp ở thị trường cổ phiếu, mà ở nhiều thị trường khác. Việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt qua vùng đỉnh năm 2021 ngay trong những ngày đầu năm 2022 cho thấy kỳ vọng tăng lãi suất được phản ánh rõ ràng.
Diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Liệu điều này có ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa vốn đã tăng giá mạnh trong năm 2021 và ảnh hưởng đến thị trường tiền số vốn đang biến động?
Đối với thị trường cổ phiếu toàn cầu, hiện chưa đến lúc bi quan, vì thị trường có thể không bị tác động mạnh trong lần tăng lãi suất đầu tiên, nhưng khó có thể tránh khỏi những biến động tiềm tàng trong cả năm 2022.
Dịch bệnh Covid-19 và dòng tiền F0
Với lượng nhà đầu tư mới (F0) tham gia thị trường mạnh mẽ cùng chính sách tiền tệ và tài khóa theo hướng nới lỏng, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục tăng giá sau khi tạo đáy vào cuối tháng 3/2020. Những kỷ lục về điểm số và thanh khoản mới đã được thiết lập.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào chuỗi tăng điểm đó để nói quá trình đi lên là bằng phẳng và toàn niềm vui thì không phải. Thị trường tăng giá nhưng kèm theo đó là những biến động dữ dội mà trước đây chưa từng được chứng kiến.
Trước khi tạo đáy trong giai đoạn đầu ảnh hưởng bởi dịch Covid đầu năm 2020, thị trường đã trải qua những phiên giảm đến 5 - 6% chưa từng có tiền lệ. Khi thị trường dần quen với dịch bệnh, những biến động kiểu như vậy vẫn còn và không phải là hiếm.
Từ năm 2020, thị trường biến động giá mạnh hơn trước.
Theo thống kê, kể từ năm 2020, thị trường có những phiên tăng/giảm điểm trên mức 2% dày đặc hơn so với giai đoạn kể từ năm 2010.
Mức sinh lời của VN-Index kể từ đầu năm 2020.
Dịch Covid-19 dẫn đến sự bất định của nền kinh tế và biến động cao trên thị trường chứng khoán là hệ quả tất yếu. Diễn biến tăng 40 - 50 điểm và rồi sau đó lại sụt trên 40 điểm của VN-Index trong mấy tuần đầu năm 2022 đã cho thấy xu hướng biến động này.
Trong năm 2022, với khả năng biến động cao của thị trường thế giới, kèm với đó là những chủ đề vĩ mô trong nước, nổi bật là lạm phát, nợ xấu, phục hồi kinh tế…, thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến cũng có biến động tương tự.
Đặc biệt, với xu hướng tham gia ngày càng nhiều của các F0, nhiều khi sự biến động có thể không đến từ yếu tố vĩ mô, tức là những sự dịch chuyển lớn, mang tính tác động chung đến thị trường, mà do những nguyên nhân mang tính chất rất cụ thể như tin đồn được lan truyền trên mạng Internet về chính sách mới, hiện tượng “đu” theo những hội nhóm rồi rã đám, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Thậm chí, đó có thể là những mẩu chuyện rất kịch tính như câu chuyện bỏ cọc lô đất trúng đấu giá tại Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh, hay lãnh đạo FLC bán cổ phiếu khi chưa đăng ký, ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu bất động sản và nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Thích nghi cùng những biến động
Biến động nhiều hơn là điều đương nhiên trong một môi trường vĩ mô nhiều bất định và dòng tiền mới vẫn đang ồ ạt tham gia thị trường, chủ yếu nhằm đầu cơ ngắn hạn. Biến động ở đây không có nghĩa tiêu cực, khi nhà đầu tư biết tận dụng sự biến động đó. Thống kê từ đầu năm 2020 đến nay, chỉ số VN-Index đạt mức tăng khoảng 50%.
Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư bỏ qua 10 phiên tăng mạnh nhất, tỷ suất sinh lợi chỉ khoảng 10%. Ngược lại, kết quả thực sự ấn tượng nếu nhà đầu tư tránh được 10 phiên giảm mạnh nhất, tỷ suất sinh lợi lên đến hơn 150%. Điều đó cho thấy mức “sát thương” của thị trường Việt Nam là rất lớn.
Do đó, quản trị rủi ro khi giao dịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu biến động cao là điều đương nhiên thì nhà đầu tư cần phải biết thích ứng và quản trị rủi ro tốt.
Điều này cần đến cả kiến thức đầu tư lẫn sự vững vàng trong tâm lý. Kiến thức đầu tư để có thể xác định thời điểm ra/vào thị trường, tránh những giai đoạn biến động xấu và chọn được ngành, doanh nghiệp tích cực, tránh các doanh nghiệp có nền tảng xấu và rủi ro cao.
Sự vững vàng tâm lý để kiểm soát tần suất giao dịch, sử dụng đòn bẩy tài chính một cách hợp lý, tránh trạng thái FOMO và một phần quan trọng nữa là sẵn sàng cắt lỗ để quản trị rủi ro khi cần thiết.