Chứng khoán 31/10: Ngân hàng báo lãi 'khủng' vẫn không cứu được thị trường
Cổ phiếu ngân hàng là nhóm duy nhất diễn biến tích cực hôm nay sau loạt báo cáo tài chính lãi 'khủng' của khối này, tuy nhiên dòng tiền yếu cộng thêm tâm lý tiêu cực khiến thị trường vẫn không thể hồi phục.
VN-Index tiếp tục mất mốc 1.030
Đóng cửa phiên 31/10, VN-Index giảm 14,21 điểm (-1,36%) xuống 1.028,19 điểm; HNX-Index giảm 5,17 điểm xuống 206,17 điểm. Thanh khoản có phần cải thiện so với phiên trước nhưng vẫn ở mức khá thấp, giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt khoảng 14.880 tỷ đồng.
Chứng khoán là nhóm giảm mạnh nhất trong đó các mã giảm sàn như: FTS giảm -6.9%; IVS giảm -9.3%; VCI giảm -6.5%. Hàng loạt cổ phiếu giảm sâu: AGR, BSI, CTS, HBS, HCM, MBS, SHS, SSI, VIG đều giảm trên 6%. Một ngày giảm sâu với ngành cổ phiếu. Nếu nhìn vào mức giảm giá của ngành cổ phiếu, một trong ba trụ chính của thị trường, mức giảm này tương đương với hoàn cảnh thị trường rớt 40-50 điểm .
Theo sau là nhóm bán lẻ, cổ phiếu giảm theo đà suy yếu của kết quả kinh doanh. MWG nằm sàn sau khi Thế Giới Di Động giảm đến 98% lợi nhuận. Digiworld mất một nửa lợi nhuận nên cổ phiếu DGW giảm hết biên độ. Tương tự, hai mã PET và TTH nằm sàn.
Sắc đỏ cũng phủ lấy bảng điện ngành hóa chất, dầu khí, xây dựng và bất động sản khi loạt doanh nghiệp công bố lợi nhuận đi lùi. Trong đó, nhiều mã trụ của từng ngành cùng giảm hết biên độ như GEX, PDR, PVT, DPM, VGC...
Quá ngạc nhiên khi hầu hết các cổ phiếu đều giảm, trên sàn HOSE chỉ có 66 cổ phiếu tăng giá/448 cổ phiếu giảm giá. Tuy nhiên ngành ngân hàng lại xanh và là nhóm ngành duy nhất xanh, dù chỉ tăng 0.14%. Lão đại VCB thậm chí còn xanh trên 1%; VIB, SSB, OCB, LPB đều xanh trên 1%.
Tiền hối hả vào trong 45 phút cuối, khiến thị trường có một ngày giá trị giao dịch không quá thấp, đạt 17.300 tỷ đồng với 901 triệu cổ phiếu giao dịch trên 3 sàn. Khép lại một ngày giao dịch tuy xuống khá sâu nhưng hình như vẫn còn cái gì đấy để hy vọng.
Trước bối cảnh VN-Index giao dịch khá ảm đạm, khối ngoại bất ngờ trở thành điểm sáng khi mua ròng hơn 382 tỷ đồng trên toàn thị trường, dứt chuỗi 5 phiên bán ròng liên tiếp. HPG dẫn đầu nhóm được khối ngoại mua ròng, theo sau là PVD, DCM, FRT, DGC và PVS.
Ở chiều ngược lại, VHM tiếp tục bị bán ròng 257 tỷ đồng.
Loạt ngân hàng báo lãi "khủng"
Mới đây, nhiều ngân hàng báo lãi “khủng” sau 3 quý đầu tiên. Với lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2023 đạt 29.550 tỷ đồng, ông lớn Vietcombank tiếp tục duy trì vị trí quán quân lợi nhuận của ngành ngân hàng. Lợi nhuận quý III của Vietcombank cũng cao nhất hệ thống, đạt 9.051 tỷ, tăng 19,6% so với đầu năm. Vietcombank cũng đang bỏ khá xa các ngân hàng còn lại trong hệ thống về lợi nhuận.
Top 2 và Top 3 trên bảng xếp hạng lần lượt là MB (20.019 tỷ đồng) và BIDV (19.763 tỷ đồng). MB báo lãi trước thuế quý III đạt 7.284 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong khi đó, BIDV ghi nhận lãi trước thuế quý III sụt giảm 12% xuống 5.893 tỷ đồng. Theo đó, MB đã soán ngôi "á quân" lợi nhuận 6 tháng của BIDV.
2 ngân hàng tiếp theo, đứng Top 4, Top 5 là VietinBank (17.401 tỷ đồng) và Techcombank (17.115 tỷ đồng) với lợi nhuận bám sát nhau, chênh lệch không đáng kể. 2 ngân hàng này cũng có mục tiêu lợi nhuận năm 2023 khá tương đương nhau (22.000-22.500 tỷ đồng). Hiện Techcombank đã hoàn thành được 78% kế hoạch cả năm, trong khi VietinBank hoàn thành được 77%.
ACB của Chủ tịch Trần Hùng Huy đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 15.024 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Ngân hàng đang đi sát lộ trình, hoàn thành được 75% kế hoạch cả năm (hơn 20.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo báo các tài chính của các đơn vị, trong số 23 ngân hàng thì có đến 13 ngân hàng có lợi nhuận lũy kế giảm, 9 ngân hàng có lợi nhuận lũy kế tăng và 1 ngân hàng đang bị lỗ hàng trăm tỷ đồng.