Chứng khoán bao giờ trở lại ngày vui?
Liên tục các ngưỡng 950 điểm, 900 của chỉ số VN-Index bị xuyên thủng. Nhiều nhà đầu tư 'rơi' từ đỉnh xuống đáy, thậm chí chưa biết đâu là đáy. Bảng điện tử la liệt các mã nằm sàn.
Đó là thực tế đang diễn ra trên thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua. Kiên nhẫn chờ đợi là lời khuyên được các chuyên gia đưa ra trong thời điểm hiện tại.
Những ngày buồn
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại nửa đầu tháng 11 đầy sóng gió bằng một phiên giao dịch đáng quên. Sắc đỏ bao phủ trên hầu hết các nhóm ngành, thậm chí toàn thị trường có đến gần 400 mã cổ phiếu giảm sàn. VN-Index đóng cửa phiên ngày 15/11 giảm 3,1% xuống 911,9 điểm, thấp nhất trong hơn 25 tháng kể từ ngày 5/10/2020.
Giao dịch khối ngoại là điểm sáng hiếm hoi trong chuỗi ngày ảm đạm của thị trường. Ngày giữa tháng 11, khối ngoại có phiên mua ròng thứ Bảy liên tiếp trên HOSE với giá trị ròng rất lớn, đạt 1.189,11 tỷ đồng. STB là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất với giá trị ròng đạt 147,7 tỷ đồng. Tiếp theo là HPG và SSI với lần lượt 128,3 tỷ đồng và 101,9 tỷ đồng. Chiều ngược lại, DXG là mã chứng khoán bị bán ròng mạnh nhất với giá trị ròng đạt 28,4 tỷ đồng.
Nhịp giảm mạnh từ đầu tháng 11 đã thổi bay hơn 463.000 tỷ đồng, tương đương 19,6 tỷ USD vốn hóa trên HOSE đến 15/11. Tính chung cả 3 sàn, chứng khoán Việt Nam đã đánh rơi hơn nửa triệu tỷ đồng vốn hóa chỉ sau nửa tháng. Nếu so với thời điểm đỉnh cao hồi đầu tháng 4, con số này thậm chí còn lên đến gần 2,68 triệu tỷ đồng.
Phản hồi về việc thị trường lao dốc mạnh thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán đưa ra một số nguyên nhân. Đó là biến động trên TTCK Việt Nam trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong nước và quốc tế. Sau các biện pháp hỗ trợ kinh tế sau đại dịch Covid-19, lạm phát đã tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới khiến nền kinh tế phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với nhịp độ nhanh, mạnh nhằm kiểm soát lạm phát.
Trong nước, dòng tiền trên TTCK đã chịu sự tác động của các thay đổi trong mặt bằng lãi suất. Sau các bước điều chỉnh lãi suất liên tục của Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành nhằm ứng phó với lạm phát và giảm tác động từ bên ngoài.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cũng đã gia tăng, thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng và giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trên TTCK cũng có sự dịch chuyển trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.
Bên cạnh đó, TTCK đã tăng trưởng mạnh trong năm 2021 đến quý I/2022. Do vậy, khi xuất hiện các yếu tố tác động không thuận, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả, tạo nên áp lực bán trên thị trường.
Ngoài ra, việc điều tra, khởi tố một số DN bất động sản lớn trong thời gian vừa qua liên quan đến các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu DN cũng tác động đến tâm lý chung trên TTCK, tạo tâm lý thận trọng trong đầu tư, tác động đến dòng tiền trên thị trường.
Tìm bến đỗ ở đâu giữa bão?
Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, mặc dù định giá VN-Index đã về mức hấp dẫn so với các giai đoạn trước đây, tuy nhiên trong nước, thanh khoản dòng vốn đang bị tắc nghẽn và các rủi ro về trái phiếu DN là vấn đề cần được giải quyết để thị trường có động lực phục hồi.
Ở chiều hướng tích cực, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đã có những buổi hội thảo cùng các quỹ trái phiếu, công ty chứng khoán và đã có đề xuất một số phương án để trình lên Bộ Công Thương. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ cần nhiều thời gian để các cơ quan ban ngành có thể đưa ra phương án xử lý cuối cùng.
Hiện vẫn có nhiều yếu tố tác động thị trường. Vì thế, nhà đầu tư hiện chỉ nên quan sát, theo dõi nhóm ngành hoặc những mã mang tính chất tiềm năng, vào giai đoạn sau Tết mới tính.
Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank Phan Dũng Khánh
Vì vậy, trong khoảng thời gian này, chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, hoạt động giao dịch trên thị trường sẽ vẫn diễn biến khá thận trọng. Trong kịch bản cơ sở, báo cáo của Rồng Việt kỳ vọng, VN-Index dao động trong khoảng 940 - 1.050.
Trong ngắn hạn, sẽ rất khó để các nhà đầu tư ngắn hạn tìm kiếm lợi nhuận. Rồng Việt giữ quan điểm duy trì danh mục phòng thủ với tỷ lệ cân bằng giữa tiền mặt và cổ phiếu.
Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, nguyên nhân chính là môi trường lãi suất tăng luôn là kẻ thù của thị trường chứng khoán, đây là vấn đề chung của cả thế giới. Riêng Việt Nam còn là rủi ro từ thị trường bất động sản, trái phiếu, liên quan thanh khoản thị trường tài chính (thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang khá ổn). Các thị trường có liên thông nhau, nên có vấn đề ở thị trường này sẽ ảnh hưởng các thị trường khác, kể cả cổ phiếu bán giải chấp cũng một phần lý do từ đây.
Hiện tại cũng là giai đoạn các DN đang công bố báo cáo tài chính quý III và 9 tháng. Nếu như đầu 2022 có triển vọng khá rõ ràng, nhưng ở thời điểm này, kết quả kinh doanh lại khá ảm đạm. TTCK thường đi trước nên các diễn biến này được phản ánh vào giá một phần trước đó bởi nhà đầu tư nghĩ rằng lợi nhuận đã đạt đỉnh nên giá cổ phiếu bị tác động giảm.
“Cuối năm là mùa cao điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nhưng chúng ta thấy nhiều nhà máy, xí nghiệp, đơn vị… đã phải sa thải bớt người người lao động hoặc thiếu đơn hàng. Khả năng sang thời gian cuối năm và sang năm sau thì mức độ tác động sẽ nhiều hơn. Lãi suất vẫn có một xu hướng tăng trên thế giới, chính sách điều hành của chúng ta cũng sẽ phải xem xét từ việc tăng trưởng kinh tế cũng như phải xem xét áp lực từ thế giới tác động tới Việt Nam” - ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho biết.
Liên quan đến kỳ vọng về điểm cân bằng của thị trường được thiết lập trong tháng 11, ông Phạm Lưu Hưng ví von bằng chủ đề “đường hầm có vẻ dài hơn” của báo cáo chiến lược tháng 11 do SSI Research đưa ra, nên để thấy được đáy thì chúng ta đang phải mất thêm tiền để dò đáy.
Ủy ban Chứng khoán sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm thị trường phát triển ổn định, minh bạch. Đồng thời, ủy ban tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-bao-gio-tro-lai-ngay-vui.html