Chứng khoán châu Á biến động trái chiều; USD và vàng cùng giảm trong sáng thứ Sáu 16/5
Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong sáng ngày thứ Sáu (16/5) khi tâm lý thận trọng quay trở lại sau những hứng khởi ban đầu khi Mỹ và Trung Quốc tạm dừng cuộc chiến thương mại. Tâm lý thận trọng cũng khiến chứng khoán phố Wall biến động trái chiều. Tuy nhiên giá vàng cũng quay đầu giảm nhẹ.

Đây là một tuần giao dịch đầy hứng khởi đối với thị trường chứng khoán toàn cầu khi các nhà đầu tư hoan nghênh thỏa thuận tạm hoãn cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, bởi điều này đã làm giảm đáng kể khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu thận trọng khi bước vào cuối tuần khi mà sự hứng khởi ban đầu nhạt dần để nhường chỗ cho tâm lý thận trọng bởi vẫn chưa rõ mức thuế quan cuối cùng mà Mỹ sẽ áp dụng với các đối tác sẽ thế nào. Theo các nhà kinh tế, nhiều khả năng mức thuế quan cuối cùng sẽ cao hơn khá nhiều so với giai đoạn trước.
Hơn nữa theo các nhà phân tích, các nhà đầu tư thường có tâm lý thận trọng hơn trong các phiên cuối tuần do không rõ những gì sẽ diễn ra trong các ngày nghỉ.
“Các thị trường đối mặt với một cuối tuần với ít rủi ro hơn khi mở các vị thế so với lần trước, do không có cuộc đàm phán thương mại lớn hoặc rủi ro đáng kể nào trong lịch trình”, Kyle Rodda - Nhà phân tích cấp cao tại Capital.com cho biết. Tuy nhiên theo nhà phân tích này, luôn có một chút thiên vị rủi ro khi bước vào cuối tuần trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, do thị trường có thể gặp rủi ro vào tuần tới một cách đầy bất ngờ chỉ vì một bài đăng trên mạng xã hội.
Theo đó tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 115 giảm 0,18%, trong khi chỉ số Topix tăng 0,12% sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế của nước này đã bị thu hẹp 0,2% so với quý trước trong quý đầu năm, nhấn mạnh bản chất mong manh của sự phục hồi hiện đang bị đe dọa bởi các chính sách thương mại của Mỹ.
Trong khi tại Trung Quốc, chỉ số CSI 300 giảm 0,2%, chỉ số Shanghai giảm gần 0,5%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng giảm 0,8%.
Tuy nhiên các chỉ số chứng khoán chính của Hàn Quốc và Úc đều tăng điểm. Cụ thể chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,1% và chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,64%
Chỉ số MSCI về cổ phiếu Châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đã giảm 0,1% trong phiên giao dịch sáng thứ Sáu, nhưng vẫn đang hướng tới mức tăng hơn 3% trong tuần. Goldman Sachs đã nâng mục tiêu 12 tháng của mình cho chỉ số này lên 660, từ mức 620 trước đó.
Hợp đồng tương lai Nasdaq và hợp đồng tương lai S&P 500 đều giảm 0,1% sau khi cổ phiếu phố Wall cũng biến động trái chiều khi kết thúc ngày giao dịch thứ Năm (15/5).
Theo đó S&P ghi nhận ngày tăng thứ tư liên tiếp khi tăng 0,41% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (15/5). Chỉ số Dow Jones cũng khép lại phiên giao dịch thứ Năm với mức tăng 0,65%. Tuy nhiên Nasdaq Composite giảm 0,18%.
Dữ liệu được công bố hôm thứ Năm cho thấy, doanh số bán lẻ của Mỹ yếu hơn dự kiến, trong khi giá sản xuất bất ngờ giảm vào tháng 4. Những dữ liệu này đã nâng kỳ vọng của thị trường vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng tổng cộng 56 điểm cơ bản trong năm nay.
Điều đó đã giúp trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng giá sau một tuần thất bại. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn mười năm đã giảm 3 điểm cơ bản xuống còn 4,424% vào thứ Sáu, sau khi đã giảm 7 điểm cơ bản trong phiên qua đêm để rời khỏi mức cao nhất trong một tháng. Mặc dù vậy, nó vẫn tăng 8 điểm cơ bản kể từ đầu tuần.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm cũng giảm 2 điểm cơ bản xuống 3,947%, sau khi giảm 8 điểm cơ bản trong phiên giao dịch qua đêm.
Tâm lý thận trọng cũng quay lại trên thị trường tiền tệ khi các nhà đầu tư đã quay lại bán đôla Mỹ so với các loại tiền tệ trú ẩn an toàn trong sáng thứ Sáu, với đồng đô la giảm 0,25% so với đồng yên Nhật và giảm 0,28% so với đồng franc Thụy Sĩ và hiện đang được giao dịch ở mức 145,30 JPY/USD và 0,8336 CHF/USD.
Đồng bạc xanh cũng giảm 0,16% so với đồng tiền chung xuống mức 1,1204 USD/EUR; giảm 0,1% so với đồng bảng Anh và hiện đang giao dịch ở mức 1,3308 USD/GBP.
Hiện chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác đã giảm 0,2% về mức 100,67.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu ổn định. Giá dầu thô tương lai của Mỹ (WTI) tăng 0,1% lên 61,71 USD/thùng trong khi giá dầu Brent cũng tăng 0,1% lên 64,61 USD/thùng, cũng cao hơn 0,1% trong ngày.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm 0,5% xuống 3.223 USD/oz, sau khi tăng 2% qua đêm. Tính chung từ đầu tuần, giá vàng đã giảm 3%.