Chủ động phòng ngừa rủi ro về an toàn lao động
Năm 2024, Đồng Nai nằm trong tốp các tỉnh, thành xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động làm chết người để lại hậu quả nghiêm trọng cho người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN). Nguyên nhân do ngã cao, vật đè, ngạt khí, điện giật, ngạt khí hơi độc, thiết bị nổ và tai nạn trong ngành xây dựng.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động tại Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam (huyện Long Thành). Ảnh: L.Mai
Để chủ động phòng ngừa rủi ro về an toàn lao động, cần nhiều giải pháp quyết liệt nhằm răn đe, xử phạt mạnh đối với DN chủ quan, thờ ơ trong việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Còn những hạn chế về an toàn lao động
Trong các đợt kiểm tra công tác ATVSLĐ của các ngành chức năng tỉnh tại các DN mới đây cho thấy, nhiều nơi, người sử dụng lao động chưa chủ động áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ hoặc tổ chức huấn luyện mang tính hình thức, đối phó, chưa đủ thời lượng, nội dung, chương trình. Một số DN không trang bị biển báo nguy hiểm, hướng dẫn an toàn tại các xưởng có nhiều máy móc, thiết bị trong sản xuất.
Đặc biệt, một số DN sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ như: lò hơi, máy nén khí, xe nâng hàng… hết kiểm định, hoặc chưa khai báo các thiết bị về ngành chức năng. Trong khi đó, NLĐ được bố trí vận hành các thiết bị không có chứng chỉ, không được đào tạo, tập huấn về an toàn lao động. Ngoài ra, việc trang bị bảo hộ lao động chưa được DN và NLĐ chú trọng.
Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2025 là đợt cao điểm thúc đẩy các giải pháp, chương trình hành động cụ thể về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho chủ DN và NLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, huấn luyện nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ.
Công ty TNHH F.W (ở thành phố Long Khánh) hiện có trên 1 ngàn lao động. Tại thời điểm kiểm tra, DN chưa thực hiện phân loại NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm theo quy định. Một số thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã hết hạn kiểm định từ tháng 10-2024. Người sử dụng thiết bị chưa được đào tạo và cấp chứng chỉ vận hành.
Thời gian qua, những vụ tai nạn lao động làm chết người xảy ra ngoài sự chủ quan NLĐ, còn có nguyên nhân do DN không tuân thủ các quy định về đảm bảo ATVSLĐ. Chẳng hạn, vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Gỗ Bình Minh Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) vào năm 2024 làm 6 nạn nhân tử vong và 5 nạn nhân bị thương nặng là do lò hơi hết hạn kiểm định nhưng DN không thực hiện kiểm định định kỳ dẫn đến thiết bị không đảm bảo an toàn.
Nhân rộng những mô hình hay
Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam (100% vốn đầu tư Nhật Bản, chuyên sản xuất, lắp ráp các thiết bị điều khiển tự động như như van, cụm van, xy lanh...) là điển hình trong đảm bảo an toàn lao động. Hiện DN có 3 nhà máy với gần 2,8 ngàn lao động. Hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ, công ty treo băng rôn và đẩy mạnh tuyên truyền để công nhân biết, thực hiện tốt các quy định về an toàn lao động.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NGUYỄN HÒA
Hiện công ty sử dụng 239 máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ đã kiểm định. Để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, công ty trang bị Phòng Trải nghiệm an toàn. Đây là mô hình mới được DN áp dụng và tất cả NLĐ đều được tham gia để nhận diện sớm các sự cố xảy ra trong quá trình làm việc.
Ông Nguyễn Huy Thông, Phụ trách công tác An toàn sức khỏe của công ty, cho hay Phòng Trải nghiệm an toàn có các thiết bị mô phỏng tai nạn lao động dễ xảy ra như: kẹp tay, điện giật, ngã cao… để NLĐ nhận biết, phòng ngừa, giữ an toàn cho bản thân tại nơi làm việc.
Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC Vina (huyện Long Thành, chuyên sản xuất bột PVC) hiện có 170 lao động. Với đặc thù sản xuất trong lĩnh vực hóa chất, công ty có nhiều giải pháp đảm bảo an toàn lao động theo quy định như: kiểm tra an toàn lao động hàng tháng, thực hiện quan sát an toàn hàng ngày, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ. Công ty sử dụng 144 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và đã thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn.
Giám đốc Nhà máy của Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC Vina Nguyễn Đạo Hữu cho biết, xác định công tác đảm bảo ATVSLĐ có vai trò quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, DN chú trọng đầu tư, cải tiến, lắp đặt các thiết bị đảm bảo an toàn lao động tại các xưởng. Ngoài ra, DN áp dụng hệ thống quản lý về môi trường và các chương trình về an toàn môi trường hiện đại. Đối với NLĐ, được trang bị bảo hộ lao động và huấn luyện, hướng dẫn về an toàn lao động hàng ngày, hàng quý.
Theo Sở Nội vụ, để thực hiện tốt công tác an toàn lao động, đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả chủ DN và NLĐ trong việc xây dựng văn hóa an toàn, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định; thường xuyên cập nhật kiến thức và kỹ năng về an toàn lao động, cũng như mạnh dạn đề xuất các cải tiến để môi trường làm việc ngày càng an toàn hơn. Chỉ khi mỗi cá nhân, tập thể ý thức được tầm quan trọng của việc chủ động phòng ngừa các rủi ro về an toàn lao động thì mới tạo nên không gian làm việc an tâm và phát triển bền vững.