Chứng khoán hôm nay (17/4): Thị trường giằng co, VN-Index tăng nhẹ vào cuối phiên
Thị trường chứng khoán hôm nay (17/4), cơ bản vẫn diễn biến giằng co trong biên độ nhẹ. Chỉ số VN-Index tăng nhẹ cuối phiên nhờ nỗ lực mua ròng của khối ngoại, trong bối cảnh khối nội thận trọng khiến thanh khoản giảm mạnh.
VN-Index tăng nhờ vốn ngoại
Thị trường chứng khoán hôm nay giằng co trong biên độ hẹp. Chỉ số VN-Index chỉ dao động trong vùng 1.050 – 1.055 điểm và nỗ lực lấy lại sắc xanh nhờ dòng tiền khối ngoại mua ròng. Thanh khoản thị trường giảm mạnh khi thiếu hụt dòng vốn nội. Trong khi đó, khối ngoại quay trở lại mua ròng, tạo động lực cho chỉ số tăng nhẹ cuối phiên.
Các mã cổ phiếu hỗ trợ chỉ số VN-Index hôm nay có: BID (+0,7), TCB (+0,48), VHM (+0,33), NVL (+0,29), HPG (+0,29)… Ngược lại các mã tác động lên đà giảm của chỉ số gồm: VNM (-0,58), SAB (-0,48), GAS (-0,43), LPB (-0,22), VRE (- 0,18)…
Theo đó, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng nhẹ +0,92 điểm, lên mức 1.052,81 điểm. Độ rộng thị trường hôm nay khá cân bằng nhưng vẫn nghiêng nhẹ về bên bán. Trên sàn HOSE có 170 mã tăng, trong khi có tới 202 mã giảm và 68 mã đứng giá.
Thanh khoản thị trường hôm nay giảm mạnh so với phiên kế trước. Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 9.216 tỷ đồng, mức thấp nhất 17 phiên vừa qua và giảm -40% so với bình quân của tuần trước. Giá trị khớp lệnh của sàn HOSE chỉ đạt 6.714 tỷ đồng, giảm -43,98% so với phiên trước.
Khối ngoại hôm nay quay lại mua ròng với giá trị mua ròng đạt 205,85 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm HPG (76,35 tỷ đồng), PNJ (29,28 tỷ đồng), KBC (28,79 tỷ đồng)… Khối ngoại cũng mua ròng trên sàn HNX với giá trị 11,46 tỷ đồng.
Tiền nội chuyển sang quan sát
Thị trường hôm nay cho thấy sự thận trọng khá lớn. Nhìn điểm số, VN-Index có một phiên tăng, nhưng thực chất là phiên “xanh vỏ, đỏ lòng” khi số mã giảm vẫn lớn hơn. Sự thận trọng khiến biên độ dao động của chỉ số cũng không lớn vì thiếu động lực từ dòng tiền.
Nhìn ở góc độ tích cực, phiên hôm nay dù gì cũng cắt đứt được mạch chuỗi 3 phiên giảm trước đó. Điểm tích cực hơn nằm ở việc khối ngoại đã cắt được chuỗi 7 phiên bán ròng trước đó. Thực tế, khối ngoại là động lực quan trọng cho thị trường hôm nay.
Điểm được nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn hôm nay chính là thanh khoản. Dòng tiền nội hôm nay chuyển nhanh sang hướng quan sát. Chỉ số hôm nay không chịu áp lực bán ra mạnh nên không có nhịp giảm sâu, nhưng cũng không đủ mạnh để tăng tốt vì bên mua hạn chế mua vào. Dòng tiền “đứng xem” sẽ giúp giá cổ phiếu không bị giảm sâu, nhưng nếu kéo dài thì có thể nỗi lo tăng lên.
Thị trường không có nhiều thông tin tích cực đủ mạnh nên xu hướng giằng co dự báo có thể còn duy trì. Điều kỳ vọng bây giờ là dòng tiền nội không rơi vào trạng thái nghỉ ngơi. Thông tin kết quả kinh doanh quý I dù không quá để trông mong, nhưng hy vọng có thể giúp tiền quay vòng trở lại. Thị trường do đó cần phải quan sát thêm sự chuyển động của dòng tiền nội.
Các chuyên gia của MBS cũng cho rằng, một phiên “xanh vỏ, đỏ lòng” chưa làm thay đổi nhịp điều chỉnh của thị trường. Tuy chỉ số phục hồi nhẹ nhưng mặt bằng cổ phiếu vẫn bị thiệt hại, bên cạnh đó thanh khoản phiên hôm nay thấp cũng cho thấy dòng tiền sau khi chốt lời vẫn chưa quay lại. Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index phiên này có phản ứng ở ngưỡng hỗ trợ 1.050 điểm, đánh dấu nhịp giảm 6/8 phiên vừa qua bằng 1/2 nhịp tăng trước đó. “Bối cảnh này rất khó giao dịch để tìm kiếm lợi nhuận, nhà đầu tư nên thận trọng, co gọn danh mục và tập trung vào cổ phiếu cụ thể thay vì tham chiếu chỉ số chung” – Chuyên gia của MBS cho hay./.
Thị trường chứng khoán toàn cầu duy trì đà tăng trong khi nhà đầu tư chờ báo cáo thu nhập và GDP của Trung Quốc được công bố vào ngày mai. Trung Quốc dự kiến sẽ công bố tốc độ phục hồi nền kinh tế vào thứ Ba (18/4), khi Chính phủ công bố số liệu GDP trong quý I/2023 kể từ khi dỡ bỏ các hạn chế phòng chống đại dịch Covid-19 làm suy giảm tăng trưởng vào cuối năm ngoái. Đã 1 tháng trôi qua kể từ khi Silicon Valley Bank sụp đổ và gây chấn động trên thị trường tài chính toàn cầu. Đến nay, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định phần nào nhờ các động thái hỗ trợ quyết liệt từ các cơ quan chức trách, nhưng rủi ro vẫn chưa biến mất.