Chứng khoán kỳ vọng lực đẩy từ mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh
Những thông tin vĩ mô tích cực đã giúp thị trường chứng khoán hồi phục trong tuần qua (từ 13 - 17/1), mở ra những kỳ vọng cho tuần giao dịch cuối cùng năm Giáp Thìn để bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong bối cảnh mùa báo cáo tài chính quý IV/2024 đã đến.
Tâm lý nhà đầu tư được cải thiện
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một tuần phục hồi tích cực với việc chỉ số VN-Index chốt tuần tăng 1,5% và tiến sát ngưỡng tâm lý 1.250 điểm. Đà phục hồi tích cực của thị trường được thúc đẩy bởi các thông tin vĩ mô tích cực cả trong và ngoài nước.
Cụ thể, trong tuần qua, Mỹ đã công bố 2 báo cáo lạm phát liên tiếp là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đều tăng thấp hơn dự báo.
Số liệu lạm phát tích cực hơn kỳ vọng đã giúp ngăn chặn đợt bán tháo lớn trên thị trường trái phiếu, làm dấy lên kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến và thúc đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm.
Trong nước, áp lực tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt với tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giảm 60 đồng (0,2%) lùi về dưới 25.330. Tâm lý thị trường cải thiện đã thúc đẩy hoạt động bắt đáy và giá cổ phiểu tăng điểm tích cực, bao gồm nhóm chứng khoán, xây dựng hạ tầng và các doanh nghiệp có liên quan đến dự án cảng Cần Giờ.
Cụ thể, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây là cột mốc quan trọng trong việc triển khai dự án. Dự án sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tuần tới, thị trường tài chính quốc tế sẽ hướng sự chú ý tới lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donal Trump và lộ trình thực thi những chính sách đề xuất về thuế quan, chính sách nhập cư và chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường VNDIRECT nhận định: “Những rủi ro xoay quanh chính sách của Tổng thống đắc cử Donal Trump đã một phần lớn vào diễn biến của thị trường trong suốt 2 tháng qua. Do vậy, trừ khi có cú sốc hay thay đổi lớn của những chính sách đề xuất này thì tôi không nghĩ sẽ có sự xáo trộn lớn của thị trường trong tuần giao dịch tới”.
Về diễn biến trong nước, ông Hinh kỳ vọng xu hướng phục hồi có thể duy trì trong tuần giao dịch cuối năm Giáp Thìn nhờ lực đẩy từ mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2024 đã đến.
VNDIRECT dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE có thể duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận ròng trên 20% trong quý IV/2024, điều này sẽ giúp cải thiện định giá cổ phiếu và thúc đẩy dòng tiền đầu tư quay trở lại.
Đồng thời, áp lực tỷ giá có thể tiếp tục hạ nhiệt và giúp gỡ “nút thắt” tâm lý thị trường, kích thích dòng tiền đầu cơ gia nhập trở lại.
Ông Đinh Quang Hinh cho rằng, chỉ số VN-Index có thể đóng cửa năm Giáp Thìn tại vùng 1.260 - 1.270 điểm. Nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp rung lắc trong phiên để giải ngân một phần danh mục trước Tết Âm lịch, ưu tiên những nhóm ngành có thông tin hỗ trợ như ngân hàng, cảng biển, logistics, xuất khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ), hạ tầng xây dựng và năng lượng (điện, dầu khí).
Tuy vậy, cần hạ chế đòn bẩy và margin (vay giao dịch ký quỹ) khi việc giữ trạng thái margin qua Tết Âm lịch có thể không phải là sự lựa chọn tối ưu, ông Hinh khuyến nghị.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index trong tuần qua tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.220 điểm, sau đó có 3 phiên cuối tuần phục hồi tốt với thanh khoản cải thiện dần, tích cực.
Chốt tuần giao dịch, VN-Index tăng 1,51% lên mức 1.249,11 điểm. Diễn biến khá tích cực khi nhiều mã, nhóm mã tăng giá tốt, vượt vùng giá đỉnh tuần trước. VN30 cũng tăng 1,57% lên mức 1.313,48 điểm, vượt lên lại vùng kháng cự mạnh, tâm lý quan trọng quanh 1.305 điểm, tương ứng giá trung bình 200 phiên.
Thị trường phục hồi khá tích cực, nổi bật ở nhóm logistics, công nghệ- viễn thông khi nhiều mã vẫn vượt đỉnh với thanh khoản đột biến; dòng tiền cải thiện ở nhiều nhóm mã như đầu tư công; xây dựng, vật liệu xây dựng; dầu khí, bất động sản khu công nghiệp... Trong khi khá kém tích cực ở nhóm ngân hàng, nhiều mã trong VN30 dưới áp lực bán ròng của khối ngoại. Thực tế, khối ngoại tiếp tục bán ròng đột biến trên tới gần 4.900 tỷ đồng trong tuần qua.
Tâm điểm bán ròng trong tuần qua ghi nhận tại cổ phiếu VIC với giá trị đột biến 2.068 tỷ đồng. Trước đó, quỹ SK Investment Vina II (thuộc SK Group) đã đăng ký bán ra 50,86 triệu cổ phiếu VIC, thời gian dự kiến từ ngày 16/1 - 14/2/2025. Nếu thành công, quỹ này sẽ còn sở hữu 180,6 triệu cổ phiếu VIC, giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,05% xuống 4,72% cổ phần.
Cũng tại chiều bán, thị trường ghi nhận hai cổ phiếu là FPT và STB bị khối ngoại bán ròng lần lượt 796 tỷ và 352 tỷ đồng. Các mã SSI và CTG với giá trị lần lượt đạt 218 tỷ và 212 tỷ đồng.
SHS cho rằng, hiện tại thị trường chung vẫn duy trì quá trình tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay. Tổng vốn hóa toàn thị trường hiện tại khoảng 285 tỷ USD, đây vùng vốn hóa tương đối hợp lý. Thị trường phân hóa tốt dựa trên định giá, triển vọng của doanh nghiệp. Nhiều mã ở vùng giá tương đối hấp dẫn so với nội tại doanh nghiệp và triển vọng tăng trưởng trung dài hạn.
Xu hướng ngắn hạn VN-Index sau giai đoạn suy giảm đang nổ lực phục hồi kiểm tra lại các vùng kháng cự mạnh 1.250 - 1.260 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023 và giá trung bình 200 phiên. Xu hướng ngắn hạn VN-Index cải thiện khi vượt lên lại kháng cự này.
Xu hướng trung hạn tiếp tục xu hướng tích lũy kéo dài từ 2024 đến nay trong vùng 1.200 - 1.300 điểm. Trong khi đó VN30 đang cải thiện xu hướng khi vượt lên vùng giá giá trung bình 200 phiên, nhưng khối lượng giao dịch vẫn kém tích cực.
Ông Nguyễn Huy Phương, chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho biết, phiên cuối tuần, thị trường có nỗ lực vượt qua vùng tranh chấp 1.243 điểm và nới rộng diễn biến hồi phục.
Thanh khoản giảm so với phiên trước đó, cho thấy áp lực nguồn cung hiện tại chưa lớn. Mặc dù thanh khoản còn thấp nhưng khả năng tăng điểm của thị trường vẫn được duy trì khá tốt.
Với các tín hiệu hỗ trợ gần đây, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục được nâng đỡ và hướng đến vùng 1.253 - 1.260 điểm trong thời gian tới. Vùng điểm này khá quan trọng, diễn biến cung cầu trong vùng này có thể sẽ tác động đến hướng đi tiếp theo của thị trường.
Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng nới rộng nhịp hồi phục nhưng vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường. Nhà đầu tư có thể tận dụng diễn biến tăng giá hiện tại để chốt lời ngắn hạn đối với các cổ phiếu đã tăng đến vùng cản. Tuy nhiên, có thể cân nhắc khai thác cơ hội ngắn hạn tại một số cổ phiếu có diễn biến khởi sắc từ vùng hỗ trợ, ông Phương khuyến nghị.
Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam có tuần hồi phục tích cực trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới khởi sắc.
Một tuần khởi sắc với chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 17/1, khép lại một tuần khởi sắc nhờ tâm lý lạc quan về triển vọng kinh tế và lãi suất, giữa bối cảnh các nhà đầu tư đang chờ đợi các chính sách mới từ chính quyền của ông Donald Trump.
Chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones tăng 334,70 điểm lên 43.487,83 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 59,32 điểm lên 5.996,66 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 291,91 điểm lên 19.630,20 điểm.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau khi nhà đầu tư nhận được các báo cáo liên tiếp cho thấy áp lực lạm phát đang giảm bớt phần nào. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi tăng thấp hơn dự báo so với năm trước và chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng thấp hơn dự báo trong tháng 12/2024.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 3,69%, S&P 500 tăng 2,92%. Cả 2 chỉ số đều này đều ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 11/2024. Chỉ cố Nasdaq Composite cũng tăng 2,43%, ghi nhận tuần tăng tốt nhất kể từ đầu tháng 12/2024.
Chủ tịch Fed bang Cleveland, bà Beth Hammack cho biết, lạm phát vẫn là một vấn đề lớn khi dữ liệu gần đây cho thấy kinh tế Mỹ duy trì sự bền vững. Tuy nhiên, Thống đốc Fed Christopher Waller lại cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất sớm hơn và nhanh hơn dự kiến khi lạm phát có khả năng tiếp tục giảm.