Quy định mới về tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc với nhà sản xuất, nhập khẩu

Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) với doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhập khẩu...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một trong những điểm mới của Nghị định 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường vừa được Chính phủ ban hành mà các doanh nghiệp, nhà sản, nhập khẩu cần lưu ý đó là việc sửa đổi bổ sung tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc.

TỶ LỆ TÁI CHẾ VÀ QUY CÁCH TÁI CHẾ BẮT BUỘC

Cụ thể, tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được thu gom và tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trong năm thực hiện trách nhiệm trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu được đưa ra thị trường trong năm có trách nhiệm.

Tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định trên cơ sở vòng đời, tỷ lệ thải bỏ, tỷ lệ thu gom của sản phẩm, bao bì; mục tiêu tái chế quốc gia, yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế- xã hội từng thời kỳ.

Tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng loại sản phẩm, bao bì trong 3 năm đầu tiên được quy định rõ và được điều chỉnh 3 năm một lần tăng dần để thực hiện mục tiêu tái chế quốc gia và yêu cầu bảo vệ môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh, ban hành tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng loại sản phẩm, bao bì cho các chu kỳ 3 năm tiếp theo.

Nhà sản xuất, nhập khẩu được tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc tái chế sản phẩm, bao bì cùng loại do nhà sản xuất, nhập khẩu khác sản xuất, nhập khẩu để đạt được tỷ lệ tái chế bắt buộc.

Việc tái chế phế liệu nhập khẩu; bao bì là chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất công nghiệp; sản phẩm lỗi bị thải loại trong quá trình sản xuất không được tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì cao hơn tỷ lệ tái chế bắt buộc quy định tại Điều 78 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì được bảo lưu phần khối lượng chênh lệch để tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của các năm tiếp theo.

Điểm mới nhất của Nghị định 05/2025/NĐ-CP trong quy định này chính là quy cách tái chế. Theo đó, quy cách tái chế bắt buộc là các giải pháp tái chế được lựa chọn cho từng sản phẩm, bao bì chứ không yêu cầu tối thiểu về lượng vật liệu, nhiên liệu được thu hồi đối với tái chế sản phẩm, bao bì như trước đây.

Quy cách tái chế bắt buộc là các giải pháp tái chế được lựa chọn cho từng sản phẩm, bao bì được quy định kèm theo Nghị định.

Cũng theo quy định mới, đơn vị tái chế được nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc bên được ủy quyền thuê để thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì phải có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần trong đó có nội dung tái chế sản phẩm, bao bì đó theo quy định của pháp luật. Được ít nhất 3 nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì ủy quyền tổ chức tái chế.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ đăng tải thông tin đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì (gồm: Tên đơn vị; địa chỉ; họ và tên người đại diện theo pháp luật; thông tin liên hệ; giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần) và thông tin bên được ủy quyền tái chế sản phẩm, bao bì đáp ứng quy định trên Hệ thống thông tin EPR quốc gia. Việc đăng tải thông tin được thực hiện chậm nhất không quá 5 ngày từ khi nhận được đề nghị của đơn vị.

Nhà sản xuất, nhập khẩu không thuê đơn vị tái chế hoặc bên được ủy quyền khi không đảm bảo các yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Bên được ủy quyền tổ chức tái chế có trách nhiệm tổ chức thu gom và chịu trách nhiệm đối với khối lượng sản phẩm, bao bì làm nguyên liệu cho đơn vị tái chế tương ứng với khối lượng nhận ủy quyền. Bên được ủy quyền tổ chức tái chế không được ủy quyền lại cho tổ chức khác, trừ trường hợp được sự đồng ý của bên ủy quyền tổ chức tái chế.

QUY ĐỊNH PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ TRIỂN KHAI TRÁCH NHIỆM TÁI CHẾ

Nghị định Nghị định 05/2025/NĐ-CP đã kịp thời sửa đổi và đưa ra quy định phù hợp với tình hình thực tế triển khai quy định về trách nhiệm tái chế, nhất là thời điểm thực hiện trách nhiệm này. Theo đó, việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì sẽ thực hiện sau khi kết thúc năm và thực hiện theo số thực tế đã sản xuất, nhập khẩu và đưa ra thị trường.

Như vậy, nhà sản xuất, nhập khẩu đã tổ chức tái chế (thực hiện trách nhiệm tái chế đối với các sản phẩm sản xuất đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm 2024) theo số kế hoạch đã đăng ký trong năm 2024 thì được bảo lưu khối lượng đã tái chế để tính vào kết quả tái chế trong năm 2025.

Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức đóng góp tài chính thì thực hiện đóng tiền 1 lần trước ngày 20/4 của năm kê khai.

Nghị định 05/2025/NĐ-CP đã sửa đổi và quy định rõ, nhà sản xuất, nhập khẩu kẹo cao su không phải thực hiện trách nhiệm tái chế đối với bao bì thương phẩm của kẹo cao su.

Bên cạnh đó, Nghị định 05/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi và quy định, nhà sản xuất, nhập khẩu đã đưa ra thị trường bao bì nhưng bao bì đó được chính nhà sản xuất đó thu hồi, đóng gói để tiếp tục đưa ra thị trường (chủ yếu là sản phẩm nước và đồ uống đóng chai) thì nhà sản xuất, nhập khẩu không phải thực hiện trách nhiệm tái chế đối với bao bì này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đặc biệt, việc xác định doanh nghiệp có phải thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì hay không căn cứ theo doanh thu của các các sản phẩm có bao bì phải tái chế không tính đến doanh thu các sản phẩm khác không phải tái chế và cũng không tính theo giá trị nhập khẩu. Sửa đổi này rất quan trọng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà sản xuất, nhập khẩu khi thực thi chính sách EPR.

Cũng theo quy định mới, tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì được quy định cụ thể và chi quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Lãi tiền gửi ngân hàng của số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được sử dụng cho chi phí quản lý, giám sát và hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế phải công khai, minh bạch, đúng mục đích. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng EPR quốc gia và công khai việc tiếp nhận, sử dụng tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế hằng năm trước ngày 31/3 của năm tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành quy định việc hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì.

Mức đóng góp tài chính đối với từng sản phẩm, bao bì cũng được quy định cụ thể. Mức trích cho chi phí quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải hằng năm bằng 2% mức đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh, ban hành mức đóng góp tài chính cho từng loại sản phẩm, bao bì và mức trích cho chi phí quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải cho các chu kỳ 5 năm tiếp theo.

Về quy định đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải, theo Nghị định mới, nhà sản xuất, nhập khẩu tự kê khai và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/3 hằng năm bản kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải đối với sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu được đưa ra thị trường của năm liền trước theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định. Nhà sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin trong bản kê khai.

Trước ngày 20/4 hằng năm, nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm nộp đủ tiền đóng góp hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải đã kê khai quy định vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Nhà sản xuất, nhập khẩu đã kê khai và nộp tiền đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải đối với lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu trong năm 2024 thì được bảo lưu số tiền này cho kỳ kê khai và nộp tiền đóng góp hỗ trợ tài chính hỗ trợ xử lý chất thải trong năm 2025.

Nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu và đưa ra thị trường theo lộ trình sau:

Bao bì và các sản phẩm ắc quy, pin; dầu nhớt, dầu nhờn (dầu nhớt); săm lốp: Từ ngày 0/01/2024;
Sản phẩm điện, điện tử: Từ ngày 01/01/2025;
Phương tiện giao thông: Từ ngày 01/01/2027.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định việc thải bỏ phương tiện giao thông trước ngày 01/01/2026.

Tùng Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quy-dinh-moi-ve-ty-le-tai-che-quy-cach-tai-che-bat-buoc-voi-nha-san-xuat-nhap-khau.htm