Chứng khoán – liệu có bất ngờ nào ngay từ tháng đầu năm 2024?
Chứng khoán Việt Nam có lẽ sẽ kết thúc năm 2023 với chỉ số VN-Index dưới mốc 1.200 điểm và có thể ghi nhận mức tăng xấp xỉ 10%. Nhiều người kỳ vọng thị trường năm 2024 bứt phá mạnh mẽ hơn, nhưng liệu sẽ có bất ngờ nào cho màn khởi động trong tháng đầu năm?
Tăng trong nghi ngờ?
Sau khi có nhịp điều chỉnh trong giai đoạn giữa tháng từ ngày 13 đến 19-12-2023, chỉ số VN-Index đã bật trở lại kể từ đó đến nay. Với phiên mở màn đầu tuần này (25-12) tăng mạnh gần 15 điểm, VN-Index dường như đang hướng đến tháng thứ 2 tăng liên tiếp. Việc hệ thống giao dịch mới KRX không đi vào vận hành từ ngày 25-12 như kế hoạch ban đầu chưa cho thấy ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Điểm đáng chú ý trong tháng cuối năm là hoạt động bán ròng không ngớt của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính từ phiên 29-11 đến 25-12, khối ngoại đã có 19 phiên bán ròng liên tiếp trên sàn HOSE, với tổng giá trị hơn 10.100 tỉ đồng, đánh dấu tháng bán ròng lớn nhất trong năm nay. Dù vậy, lượng hàng xả ra đã được các nhà đầu tư trong nước “cân” hết, giúp thị trường phát tín hiệu đi lên trở lại trong những phiên gần đây.
Dù tăng về mặt điểm số, nhưng khối lượng giao dịch cũng chỉ ở mức trung bình, cho thấy thị trường dường như đang ở thế “tăng trong nghi ngờ”. Không ít nhà đầu tư vẫn chưa thoát khỏi cảm giác e ngại, nhất là khi nhìn vào chuỗi giảm giá khá mạnh vào giữa tháng 12. Ngoài ra, trước tình trạng VN-Index vẫn “cù cưa” dao động quanh vùng 1.100 điểm trong hai tháng qua, đặc biệt không thể bứt phá được mốc kháng cự tại đường trung bình động 200 ngày (MA 200) hiện nằm quanh 1.120 điểm, dòng tiền cũng chưa mặn mà tham gia mạnh mẽ.
Các tín hiệu kỹ thuật khác cũng chưa ủng hộ cho một đợt tăng mới, do đó các nhà đầu tư theo trường phái kỹ thuật có lẽ vẫn đang chờ các tín hiệu xác nhận xu thế tăng rõ hơn trước khi rót tiền. Dù vậy, xét theo các yếu tố cơ bản, thị trường chứng khoán đang nhận được sự hỗ trợ khá lớn, từ triển vọng kinh tế phục hồi tốt hơn trong năm 2024, các chính sách tiền tệ và tài khóa duy trì nới lỏng, dòng vốn từ nước ngoài (FDI và kiều hối) vẫn dồi dào, các kênh đầu tư khác giảm sức hút – dòng tiền tiết kiệm ngân hàng có thể chuyển dịch sang.
Mới đây nhất, vào ngày 25-12, hai ngân hàng lớn là Vietcombank và Agribank tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi. Cụ thể, Vietcombank giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, đưa lãi suất suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,9%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng giảm về 2,2%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng xuống mức 3,2%/năm. Trong khi đó, Agribank cũng giảm 0,4 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 2,2%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng giảm về 2,5%/năm và kỳ hạn 6-9 tháng xuống mức 3,5%/năm.
Bất ngờ tháng đầu năm?
Với hầu hết dự báo đều cho rằng thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ tăng trưởng tích cực hơn và có thể đánh dấu bước khởi đầu cho một chu kỳ tăng mới, không ít nhà đầu tư đang mong chờ VN-Index sẽ khởi đầu màn trình diễn tỏa sáng ngay từ tháng đầu năm. Quá khứ cho thấy tháng 1 là tháng VN-Index có hiệu suất tốt nhất, với mức tăng trưởng bình quân lên đến 4,2% trong giai đoạn 2000-2023, vượt xa những tháng còn lại.
Tháng 1 cũng là giai đoạn các thông tin về kết quả kinh doanh quí 4-2023 và cả năm 2023 của các doanh nghiệp niêm yết được công bố dần, cũng như chiến lược, kế hoạch phát triển, tăng vốn, chia cổ tức cho năm 2024 được hé lộ. Những thông tin này được xem là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy giá cổ phiếu. Với nhận định lợi nhuận của các doanh nghiệp đã tạo đáy trong nửa đầu năm nay, khả năng kết quả kinh doanh quí 4 của các doanh nghiệp tiếp tục cho thấy xu hướng phục hồi tích cực. Hiện giá nhóm cổ phiếu bán lẻ đã phản ứng sớm khi tăng khá mạnh trong những ngày gần đây, phát tín hiệu kết quả kinh doanh trong những quí tới sẽ diễn biến khả quan hơn.
Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề mà các nhà đầu tư cần quan sát thêm.
Thứ nhất là thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng khá nhanh trong tháng 12 này, sau khi đón nhận tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ năm 2024. Chỉ số Dow Jones đã tăng gần 4% tính từ đầu tháng 12 đến cuối tuần qua, do đó rủi ro điều chỉnh đang lớn dần, nên có thể tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư trong nước, dù VN-Index trong tháng 12 đã không thể giữ được đà tăng và hưởng lợi từ sự đi lên của chứng khoán Mỹ.
Thứ hai là các cuộc tấn công liên tiếp của lực lượng Houthi ở Yemen vào tàu thuyền trên Biển Đỏ – tuyến hàng hải huyết mạch của khoảng 30% thương mại hàng hóa bằng tàu container, đang làm gia tăng tâm lý lo ngại rằng thương mại quốc tế đứng trước nguy cơ tiếp tục gián đoạn. Hiện nhiều tàu vận chuyển đã phải đổi hải trình vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam châu Phi, khiến quãng đường kéo dài thêm 6.000 hải lý và thời gian giao hàng kéo dài thêm 3-4 tuần, từ đó làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển.
Giá nhiều mặt hàng thiết yếu, nguyên, nhiên vật liệu khác cũng có thể chịu tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Thị trường dầu đang theo dõi sát các diễn biến tại vùng biển này, bởi mỗi năm có hơn 17.000 tàu chở dầu và khoảng 12% lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của thế giới đi qua vùng biển này.
Yếu tố thứ ba là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây yêu cầu các công ty chứng khoán (CTCK) dừng “huy động vốn” từ nhà đầu tư và tất toán toàn bộ giao dịch đã phát sinh trước ngày 30-6-2024. Theo giới phân tích, để có tiền tất toán cho nhà đầu tư, các CTCK sẽ phải cân đối lại nguồn vốn cho hoạt động tự doanh. Ngoài ra, nguồn vốn phục vụ cho hoạt động cho vay ký quỹ cũng có thể bị ảnh hưởng, khi không ít CTCK thời gian qua đã sử dụng vốn huy động từ nhà đầu tư để phục vụ cho mảng kinh doanh này.