Chứng khoán Mỹ bị bán tháo vì Fitch, Nasdaq Composite 'bay' hơn 300 điểm
Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch 2/8 sau khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch hạ bậc xếp hạng của Mỹ khỏi vị trí cao nhất.
Sàn Phố Wall bị bán tháo trong ngày 2/8, và chỉ số Nasdaq Composite ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2023, sau khi Fitch Ratings hạ bậc xếp hạng dài hạn đối với Mỹ và tâm lý né tránh rủi ro lại xuất hiện.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch này, chỉ số Nasdaq Composite “bốc hơi” 310,47 điểm (tương đương 2,17%) xuống 13.973,45 điểm, S&P 500 sụt 1,38% còn 4.513,39 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng mất 348,16 điểm (tương đương 0,98%) về mức 35.282,52 điểm.
Vào tối ngày 1/8, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ bậc AAA xuống còn AA+ với lý do “tình hình tài khóa sẽ yếu đi trong ba năm tới”.
Đây là lần thứ hai một cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn hạ bậc xếp hạng nợ của Mỹ, sau khi S&P cũng có động thái tương tự vào năm 2011 do sự bế tắc liên quan đến trần nợ công của nước này.
Chiến lược gia đầu tư cao cấp Mona Mahajan tại Edward nhận định, việc hạ bậc tín nhiệm của Fitch đã cung cấp cho các nhà đầu tư một cái cớ không thể tốt hơn để chốt lời sau đợt tăng mạnh gần đây.
“Nói rộng ra, quyết định bất ngờ của Fitch không ảnh hưởng tới quan điểm cơ bản của chúng tôi về nền kinh tế hay thị trường” - bà Mahajan cho hay, đồng thời lưu ý thêm rằng bức tranh kinh tế tiếp tục cho thấy những dấu hiệu phục hồi và tình hình dường như rất khác so với lần gần nhất Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm.
Đợt bán tháo trong phiên ngày thứ Tư đã phá vỡ xu hướng tăng kéo dài nhiều tháng gần đây được thúc đẩy với các cổ phiếu tăng trưởng.
Trong phiên 2/8, cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà sụt giảm khi lợi suất Trái phiếu Kho bạc 10 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Những cái tên công nghệ từ Trung Quốc như JD.com hay Baidu lao dốc hơn 4% sau khi Bắc Kinh đề xuất giới hạn việc sử dụng điện thoại thông minh đối với trẻ vị thành niên. Cổ phiếu Alibaba cũng mất khoảng 5%.
Cổ phiếu của những doanh nghiệp vốn hóa lớn như Amazon, Alphabet hay Microsoft cũng giảm hơn 2%, trong khi Nvidia sụt gần 5%.
Cổ phiếu của công ty sản xuất chip bán dẫn Advanced Micro Devices (AMD) mất 7% sau khi công ty đưa ra dự báo đáng thất vọng và doanh thu giảm 18%. Trong khi đó, cổ phiếu SolarEdge Technologies “bay” 18,4% một ngày sau khi ghi nhận doanh thu thấp hơn dự báo.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vẫn ghi nhận mức tăng sau khi báo cáo kết quả kinh doanh. Cụ thể, cổ phiếu CVS Health tăng 3.3% sau khi công bố lợi nhuận cao nhờ cắt giảm chi phí, còn cổ phiếu Humana vọt 5,6% sau khi báo cáo chi phí y tế thấp hơn dự kiến.
Mùa báo cáo tài chính quý II của Mỹ đã đi được hơn nửa chặng đường và tiếp tục đạt kết quả cao hơn dự kiến. Trong số các công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo, khoảng 82% ghi nhận kết quả vượt kỳ vọng, theo dữ liệu của FactSet.
Ông Jay Woods, trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu tại Freedom Capital Markets, cho biết, việc nhà đầu tư rời bỏ cổ phiếu công nghệ và chuyển sang nhóm cổ phiếu phòng thủ là một “sự luân chuyển mang tính xây dựng” đã được chờ đợi từ sau đợt tăng giá được thúc đẩy bởi lĩnh vực công nghệ.
Đánh giá về việc Mỹ bị hạ xếp hạng, Giám đốc điều hành (CEO) của ngân hàng JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, cho rằng “điều này không thật sự quan trọng lắm” bởi thị trường mới là bên quyết định chi phí đi vay, chứ không phải các cơ quan xếp hạng.
CEO của JPMorgan cũng gọi việc các nước khác có xếp hạng tín nhiệm cao hơn Mỹ là “nực cười”.
Về dữ liệu kinh tế, theo báo cáo việc làm quốc gia của ADP - Công ty cung cấp dịch vụ và phần mềm quản lý nguồn nhân lực của Hoa Kỳ, bảng lương tư nhân tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 7. Điều này cho thấy khả năng phục hồi của thị trường lao động tiếp tục có thể bảo vệ nền kinh tế khỏi suy thoái.
Theo đó, số việc làm trong khu vực tư nhân đã tăng thêm 324.000 việc làm vào tháng 7, giảm so với mức tăng đã được điều chỉnh 455.000 việc làm trong tháng 6. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đã dự báo việc làm tư nhân chỉ tăng thêm 189.000.