Chứng khoán Mỹ đỏ lửa sau cuộc họp Fed, riêng Dow Jones bay hơn 1.100 điểm
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm sâu trong phiên giao dịch ngày 18/12 sau khi Fed cảnh báo sẽ thận trọng hơn trong các quyết định lãi suất trong tương lai.
Theo CNBC, trong phiên 18/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã mất 1.123 điểm - tương đương 2,58% - xuống còn 42.327 điểm. Đây là chuỗi giảm dài nhất của Dow Jones kể từ đợt trượt giá kéo dài 11 ngày vào năm 1974.
Ngoài ra, 18/12 cũng là phiên giảm điểm sâu nhất của Dow Jones kể từ tháng 8/2024. Trong năm nay, chỉ số này mới chỉ giảm hơn 1.000 điểm trong hai phiên.
Dow Jones đã đi xuống liên tục kể từ phiên 4/12, sau khi lần đầu tiên đóng cửa trên cột mốc 45.000 điểm. Tổng mức sụt giảm của chỉ số này trong 10 phiên vừa qua đã lên tới 2.688 điểm hay gần 6%.
Trước khi bay hơn 1.000 điểm, Dow Jones giảm liên tục do nhà đầu tư chuyển từ cổ phiếu có tính chu kỳ như tài chính, công nghiệp sang nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong khi đó, các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite vẫn tiếp tục lập kỷ lục.
Nhưng toàn bộ thị trường đã bị rung chuyển vào ngày 18/12. Chỉ số S&P 500 cũng cắm đầu 2,95% xuống 5.872 điểm, ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 8. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm sâu nhất, mất tới 3,56% và chốt phiên ở mức 19.392 điểm.
Trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất quỹ liên bang thêm 25 điểm cơ bản (bps), đưa chi phí đi vay về phạm vi 4,25% - 4,5%, đúng như dự báo. Tuy nhiên, Fed cảnh báo sẽ chỉ hạ lãi suất hai lần trong năm 2025, ít hơn so với dự báo 4 lần đưa ra hồi tháng 9.
Trong buổi họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết động thái cắt giảm lãi suất trong những tháng gần đây giúp Fed có thể “thận trọng hơn khi cân nhắc các điều chỉnh với lãi suất chính sách”.
Trước cuộc họp, nhà đầu tư vẫn nuôi hy vọng rằng Fed sẽ tiếp tục mạnh tay hạ lãi suất trong năm 2025, thúc đẩy thị trường tăng giá hơn nữa. Lợi suất trái phiếu kho bạc đã tăng vọt sau triển vọng thận trọng của Fed, gây áp lực lên giá cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã vượt ngưỡng 4,5%.
“Các tài sản rủi ro và thị trường chứng khoán được định giá rất cao không thích ý tưởng Fed sẽ ít giảm lãi suất hơn" khi cả lạm phát và thị trường lao động đều vẫn nóng, CEO của DoubleLine Capital, ông Jeffrey Gundlach nhận định.
"Điều tôi rút ra được từ cuộc họp báo là sẽ không có chu kỳ cắt giảm mạnh tay ... và thị trường phản ứng khá đồng bộ với kỳ vọng này", ông cho biết thêm.
“Không có lời chúc Giáng sinh từ Fed. Các nhà hoạch định chính sách thấy lạm phát cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn vào năm 2024. Không có lý do gì để ôn hòa khi nhìn vào triển vọng đó”, ông David Russell, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại TradeStation, cho hay.
“Những công việc khó khăn nhất đã hoàn thành khi giờ đây lãi suất không còn ở mức hạn chế nữa. Đây là thời điểm thích hợp để tạm dừng”, ông nói thêm.