Chứng khoán Mỹ giảm điểm trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày 4/7 trong bối cảnh các đối tác thương mại của Mỹ đang nỗ lực đàm phán nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ trước hạn chót ngày 9/7 để hoàn tất các thỏa thuận thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Giao dịch viên trên sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giao dịch viên trên sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Tại New York, chỉ số S&P 500 đã giảm 0,6%, chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng giảm 0,6%, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,7%.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 sẽ diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil trong hai ngày 6-7/7, với chủ đề "Tăng cường hợp tác Phương Nam vì quản trị bao trùm và bền vững hơn".

Những quan ngại về thương mại toàn cầu gia tăng sau khi Tổng thống Donald Trump, vào cuối ngày 3/7, cảnh báo các đối tác thương mại của Mỹ rằng ông có thể đơn phương áp đặt các mức thuế quan lên tới 70%.

Hãng Bloomberg News đưa tin chỉ còn chưa đầy một tuần trước hạn chót, các nhà sản xuất ô tô và chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy một thỏa thuận nhằm được miễn giảm thuế quan để đổi lấy việc tăng cường đầu tư vào Mỹ. Cùng lúc đó, theo các nguồn tin thân cận, một dự thảo thỏa thuận thương mại Mỹ-Thụy Sỹ đã bao gồm các cam kết về thuế quan đối với hàng dược phẩm xuất khẩu.

Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 đóng cửa giảm 0,5%. Thị trường chứng khoán và trái phiếu Mỹ đã đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh 4/7.

Thị trường chứng khoán đã phục hồi mạnh mẽ kể từ đợt biến động do thuế quan vào tháng 4/2025, một phần nhờ sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, sự thận trọng của nhà đầu tư vẫn còn đó khi cuộc chiến thương mại tiếp tục phủ bóng lên triển vọng lạm phát và lợi nhuận doanh nghiệp.

Theo ông Michael Hartnett của Bank of America Corp., mức tăng của S&P 500 đang đưa chỉ số này đến gần ngưỡng kích hoạt tín hiệu bán. Ông Michael Hartnett khuyến nghị các nhà đầu tư nên xem xét cắt giảm tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số này vượt mốc 6.300 điểm, chỉ cao hơn 0,3% so với mức đóng cửa hôm 3/7. Ông cũng nhắc lại rằng rủi ro bong bóng đang gia tăng vào mùa Hè, đặc biệt là sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói tài khóa trị giá 3.400 tỷ USD bao gồm các biện pháp cắt giảm thuế.

Trái phiếu Chính phủ Anh tiếp tục đà giảm sau đợt bán tháo hôm 2/7 do lo ngại về tài khóa. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm tăng 2 điểm cơ bản lên 4,56%, so với mức 4,45% khi đóng cửa hôm thứ 1/7. Đồng bảng Anh đi ngang.

Bất đồng thương mại giữa Trung Quốc và EU có dấu hiệu gia tăng khi Trung Quốc cho biết có ý định hủy một phần hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày với các nhà lãnh đạo EU dự kiến diễn ra vào cuối tháng này. Trung Quốc cũng áp thuế chống bán phá giá đối với rượu mạnh (brandy) của châu Âu trong 5 năm, nhưng miễn trừ cho các nhà sản xuất rượu cognac lớn đáp ứng cam kết về giá.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump có kế hoạch hạn chế vận chuyển các loại chip AI của các công ty như Nvidia đến Malaysia và Thái Lan, như một phần của nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn lậu chất bán dẫn vào Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua đã ghi nhận các kỷ lục mới nhờ dữ liệu việc làm khả quan và những tiến triển quan trọng về mặt lập pháp cũng như thương mại. Khởi động tuần, cả ba chỉ số chính đều lập kỷ lục mới trong phiên 30/6, nhờ kỳ vọng các thỏa thuận thương mại sẽ được ký kết trước thời hạn 9/7.

Tuy nhiên, thị trường đã trải qua một phiên điều chỉnh vào ngày 1/7 khi nhà đầu tư chốt lời ở nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và chuyển dịch sang các cổ phiếu nhạy cảm với chu kỳ kinh tế.

Đà tăng đã quay trở lại mạnh mẽ vào các phiên sau đó. Thông tin từ đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ đã giúp xoa dịu lo ngại về căng thẳng địa chính trị. Phiên 3/7, báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 147.000 việc làm trong tháng 6/2025 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,1%, cùng việc Quốc hội thông qua dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu của Tổng thống Trump đã tiếp thêm năng lượng cho thị trường.

Trong tháng 6/2025, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm hơn dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ. Điều này cho thấy sức mạnh bền bỉ của thị trường lao động Mỹ bất chấp những lo ngại về chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Cũng trong tháng 6/2025, tốc độ tăng trưởng tiền lương chậm lại còn 0,2%. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lương là 3,7%, cũng giảm so với tháng trước.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thể hiện tương đối tốt kể từ sau đại dịch COVID-19 với một thị trường việc làm kiên cường cho phép người tiêu dùng duy trì chi tiêu.

Tuy nhiên, các biện pháp thuế quan sâu rộng của ông Trump áp lên các đối tác thương mại của Mỹ đã gây áp lực lên tâm lý người tiêu dùng và làm gia tăng sự bất ổn trong giới kinh doanh. Sự bất ổn này càng trở nên rõ rệt hơn bởi cách tiếp cận của nhà lãnh đạo Mỹ: công bố, sau đó lại điều chỉnh hoặc tạm dừng các biện pháp thuế quan, khiến các doanh nghiệp trở nên thận trọng trong việc đầu tư.

Trong bối cảnh một đợt tăng thuế mới có thể được áp dụng vào tuần tới, các nhà phân tích đang theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu yếu kém trên thị trường việc làm, cùng các tín hiệu cho thấy các công ty có thể sẽ thu hẹp quy mô tuyển dụng và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng mạnh trong tháng 5/2025 do xuất khẩu giảm, nhưng nhập khẩu giảm cho thấy thương mại vẫn có thể dẫn đến sự phục hồi tăng trưởng kinh tế dự kiến trong quý II/2025. Theo Cục Phân tích kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại đã tăng 18,7% lên 71,5 tỷ USD trong tháng 5/2025. Trong đó, thâm hụt thương mại hàng hóa tăng 13% lên 97,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu giảm 4% xuống còn 279,0 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa giảm 5,9% xuống còn 180,2 tỷ USD, xuất khẩu hàng tiêu dùng tăng 1,5 tỷ USD, xuất khẩu dịch vụ giảm 0,2 tỷ USD xuống còn 98,8 tỷ USD, do sức ép từ dịch vụ du lịch và vận tải.

Dữ liệu việc làm vững chắc đã khiến nhà phân tích Fawad Razaqzada từ công ty tư vấn tài chính City Index và nền tảng giao dịch ngoại hối FOREX.com cho rằng khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong tháng 7/2025 không còn, và điều này được xem là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán và cho thấy nền kinh tế đang ở trạng thái tốt.

Minh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/chung-khoan-my-giam-diem-truoc-them-hoi-nghi-thuong-dinh-brics-mo-rong-2025-20250705110926078.htm