Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới nhờ báo cáo việc làm khả quan, giá dầu giảm

S&P 500 và Nasdaq ghi nhận mức điểm đóng cửa cao chưa từng thấy, đánh dấu phiên lập kỷ lục thứ hai liên tiếp...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (3/7), với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng lập kỷ lục mới, khi báo cáo việc làm tốt hơn kỳ vọng làm dấy lên lạc quan về sức khỏe của nền kinh tế trong bối cảnh những thay đổi lớn về chính sách thuế quan và địa chính trị. Tuy nhiên, giá dầu thô quay đầu giảm vì thời hạn quan trọng của kế hoạch thuế quan đối ứng đang đến gần.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 344,11 điểm, tương đương tăng 0,77%, đạt 44.828,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,83%, đạt 6.279,35 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,02%, đạt 20.601,1 điểm.

Đây là mức điểm chốt phiên cao chưa từng có của cả S&P 500 và Nasdaq. Trước đó, cả hai chỉ số này đã cùng lập kỷ lục trong phiên ngày thứ Tư.

Báo cáo hàng tháng từ Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 147.000 công việc trong tháng 6, vượt xa con số 110.000 công việc mới mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones và con số công việc mới đã được điều chỉnh của tháng 5 là 144.000. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,1%, trái với dự báo là tăng lên 4,3%.

Sau báo cáo, các nhà giao dịch giảm đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm lãi suất, và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng mạnh. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 95% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 7. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 5 điểm cơ bản, lên 4,346%.

“Hàm ý lớn nhất từ báo cáo việc làm này là có vẻ như sẽ không có chuyện Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 7. Việc liệu Fed có giảm lãi suất trong năm nay hay không cũng đang bị đặt dấu hỏi”, nhà quản lý danh mục Jed Ellerbroek của công ty Argent Capital Management nhận định với hãng tin CNBC.

Hôm thứ Tư, công ty dịch vụ tuyển dụng ADP công bố dữ liệu hàng tháng cho thấy số việc làm trong khu vực tư nhân ở Mỹ giảm 33.000 công việc trong tháng 6, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế đang bắt đầu suy yếu dưới sức nặng từ sự thay đổi chính sách của Chính phủ liên bang. Tuy nhiên, số liệu thống kê chính thức vào ngày thứ Sáu đã xóa tan mối lo ngại này.

Ngoài ra, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ đã đạt thỏa thuận thương mại với Việt Nam vào ngày thứ Tư, nhà đầu tư cũng hy vọng sắp có thêm những thỏa thuận mới được công bố trước 9/7 - ngày mà nếu không có sự thay đổi nào, thuế suất cao hơn của thuế đối ứng sẽ được áp trở lại với những đối tác thương mại chưa đạt được thỏa thuận với Mỹ.

Cổ phiếu hãng chip Nvidia tăng 1,3% trong phiên ngày thứ Năm, đưa giá trị vốn hóa thị trường của công ty lên mức 3,89 nghìn tỷ USD.

Do thị trường đang ở mức cao kỷ lục, ông Ellerbroek cho rằng khả năng các chỉ số quay đầu giảm là lớn, nhất là nếu ông Trump cứng rắn trong đàm phán thương mại. Dù vậy, ông tin rằng nhà đầu tư giờ đã lạc quan hơn trước.

“Chúng ta sẽ thấy tác động thực sự của thuế quan đối với nhiều doanh nghiệp, nhưng thị trường sẽ tiêu hóa điều đó mà không gặp phải nhiều vấn đề”, ông nói.

Ngày thứ Sáu, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh 4/7. Sau khi thị trường đóng cửa phiên ngày thứ Năm, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật thuế và ngân sách của ông Trump. Dự luật mang tính cột mốc sẽ được gửi tới bàn làm việc của Tổng thống để ông ký thành luật.

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng tăng điểm tuần này, với S&P 500 và Nasdaq ghi nhận mức tăng tương ứng 1,7% và 1,6%. Dow Jones vượt trội với mức tăng 2,3% trong tuần.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,31 USD/thùng, tương đương giảm 0,45%, đóng cửa ở mức 68,8 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,45 USD/thùng, tương đương giảm 0,67%, còn 67 USD/thùng.

Tâm lý của nhà đầu tư dầu lửa đang ít nhiều bấp bênh trước thời hạn 9/7 của thuế quan đối ứng. Phiên giảm giá này của dầu diễn ra sau khi giá của cả hai loại dầu cùng đạt mức cao nhất 1 tuần trong phiên ngày thứ Tư, khi Iran tuyên bố dừng hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hiệp quốc.

Gây áp lực giảm lên giá dầu phiên này còn có kết quả một cuộc khảo sát của khu vực tư nhân cho thấy hoạt động dịch vụ ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - tăng trưởng chậm nhất 9 tháng trong tháng 6 vừa qua.

Số liệu thống kê hàng tuần của Mỹ về lượng dầu tồn trữ cũng không có lợi cho giá dầu. Hôm thứ Tư, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu tồn trữ thương mại ở nước này tăng 3,8 triệu thùng trong tuần trước, đạt 419 triệu thùng, thay vì giảm 1,8 triệu thùng như dự báo của giới phân tích. Lượng dầu tồn trữ tăng có thể là một dấu hiệu của sự suy yếu nhu cầu.

Báo cáo việc làm tháng 6 khả quan của Mỹ có thể được coi là một điểm dữ liệu hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, việc Fed có thể trì hoãn cắt giảm lãi suất do thị trường việc làm còn vững vàng lại là một yếu tố bất lợi đối với giá năng lượng.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-lap-ky-luc-moi-nho-bao-cao-viec-lam-kha-quan-gia-dau-giam.htm