Chứng khoán Mỹ giảm liền 2 phiên, giá dầu giữ đà tăng

Nguyên nhân khiến cổ phiếu bị bán là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mốc 4,2% lần đầu tiên trong khoảng 3 tháng trở lại đây...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (22/10), khi nhà đầu tư lo ngại về xu hướng tăng của lãi suất và nghiền ngẫm loạt báo cáo tài chính mới nhất. Giá dầu thô tiếp tục đi lên, tăng hơn 2%, do hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn cho Trung Đông giảm xuống thấp.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,05%, còn 5.851,2 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 6,71 điểm, tương đương giảm 0,02%, còn 42.924,89 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,18%, đạt 18.573,13 điểm.

Trước phiên giảm này, thị trường đã giảm điểm vào hôm thứ Hai dưới sức ép từ đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Tuần trước, lạc quan về mùa báo cáo tài chính quý 3/2024 đã giữ vai trò động lực giúp thị trường có chuỗi phiên lập kỷ lục. Nếu tính từ đầu năm, S&P 500 hiện tăng khoảng 22%.

Phiên ngày thứ Ba chứng kiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mốc 4,2% lần đầu tiên trong khoảng 3 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, về cuối phiên, lợi suất của kỳ hạn này đã giảm về dưới mốc 4,2%.

Nguyên nhân khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng là phát biểu thận trọng của giới chức Cục Dự trữ Liên bang về đường đi của lãi suất. Sự thận trọng này dẫn tới việc thị trường tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất với tốc độ chậm và lạm phát cũng như lãi suất ở Mỹ trong tương lai sẽ cao hơn lâu hơn so với kỳ vọng.

Sau khi Fed giảm lãi suất nửa điểm phần trăm cách đây hơn 1 tháng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ thực ra không giảm mà liên tục tăng. Ngoài quan điểm thận trọng hơn của giới chức Fed, lợi suất còn tăng do các số liệu khả quan của kinh tế Mỹ - yếu tố có thể cản trở những đợt giảm lãi suất của Fed trong tương lai.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 91% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 7/11. Khả năng Fed không hạ lãi suất trong lần họp này là 9%.

“Thị trường đã rơi vào trạng thái mua quá nhiều, nên rất dễ tổn thương trước những yếu tố mà nhà đầu tư cho là tiêu cực… Bây giờ, thị trường đang lo việc Fed chưa tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, chưa kể những mối lo xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ”, chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của công ty LPL Financial nhận định với hãng tin CNBC.

Nhà đầu tư cũng đang chờ loạt báo cáo tài chính tiếp theo dự kiến được công bố trong tuần này, gồm báo cáo của những cái tên như Coca-Cola vào ngày thứ Tư và Honey Well vào ngày thứ Năm. Ngày thứ Ba, cổ phiếu hãng xe GM tăng gần 10% sau khi công bố lợi nhuận quý 3 tốt hơn kỳ vọng và nâng dự báo về kết quả kinh doanh cả năm.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,75 USD/thùng, tương đương tăng 2,4%, chốt ở mức 76,04 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,53 USD/thùng, tương đương tăng 2,2%, chốt ở mức 72,09 USD/thùng.

Hôm thứ Hai, giá mỗi loại dầu tăng gần 2%, sau khi giảm hơn 7% trong tuần trước. Những nỗ lực kích cầu của Chính phủ Trung Quốc - dù còn bị hoài nghi - đang giúp cải thiện kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đồng thời là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Những tháng gần đây, nhu cầu yếu của Trung Quốc do kinh tế giảm tốc và xu hướng điện hóa ô tô ở nước này đã gây áp lực giảm mạnh lên giá dầu.

Giới phân tích cho rằng sẽ phải mất thời gian để các nỗ lực kích cầu của Bắc Kinh ngấm vào nền kinh tế. “Bây giờ có lẽ đang là điểm thấp của nhu cầu, nhưng tôi không chắc việc kích cầu sẽ giúp cải thiện tình hình tới mức nào”, nhà phân tích Alex Hodes của công ty StoneX nói với hãng tin Reuters.

Tuy nhiên, ông Hodes nhận định lượng dầu tồn trữ trên toàn cầu đang phản ánh khả năng thiếu hụt nguồn cung dầu trong quý 4 năm nay, và điều này có thể hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn. Lượng xăng dầu tồn trữ toàn cầu ở mức khoảng 2,4 tỷ thùng trong tuần trước, ít hơn 5 triệu thùng so với cùng kỳ năm ngoái - theo dữ liệu của StoneX.

Liên quan tới tình hình Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong nỗ lực lớn đầu tiên nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn cho khu vực này sau khi Israel hạ sát lãnh đạo của tổ chức Hamas vào tuần trước. Washington hy vọng những nỗ lực này sẽ mang lại cơ hội cho hòa bình.

Dù vậy, ông Bob Yawger - Giám đốc phụ trách giao dịch hợp đồng năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho - cho rằng ông Blinken đã đạt được rất ít tiến bộ về ngừng bắn trong 11 chuyến thăm Trung Đông trước đây kể từ khi chiến tranh ở Gaza nổ ra, nên các nhà đầu tư hoài nghi về triển vọng của chuyến thăm lần này.

Israel cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tạm ngừng trong các chiến dịch ở Gaza và Lebanon, trong khi phiến quân. Hezbollah - đồng minh của Iran - từ chối các cuộc đàm phán trong khi giao tranh với Israel vẫn tiếp diễn.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-giam-lien-2-phien-gia-dau-giu-da-tang.htm