Chứng khoán Mỹ giao dịch 'giằng co' sau quyết định của Fed
Phố Wall chốt phiên giao dịch 18/9 với đà giảm nhẹ, cách xa mốc cao trong ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, mức lớn nhất trong các dự đoán cho đợt nới lỏng chính sách đầu tiên sau hơn 4 năm…
Kết thúc phiên 18/9, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 103,08 điểm (-0,25%) xuống 41.503,10 điểm, S&P 500 mất 16,32 điểm (-0,29%) còn 5.618,26 điểm và Nasdaq Composite trượt 54,76 điểm (-0,31%) về 17.573,30 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận một ngày giao dịch đầy biến động. Trước thông báo của Fed, S&P 500 dao động giữa mức tăng nhẹ và giảm nhẹ. Sau đó, chỉ số bật tăng 1% ngay khi có công bố về quyết định lãi suất nhưng rồi lại mất đi động lực và kết quả là đóng cửa ở mức thấp hơn. Cả Dow Jones và S&P 500 đều có thời điểm chạm lên mốc cao trước khi suy yếu.
"Thật ngạc nhiên khi thị trường dường như luôn muốn nhiều hơn ngay cả khi họ đã có được điều mình kỳ vọng”, Steve Sosnick, chiến lược gia thị trường chính tại Interactive Brokers nhận xét.
Cổ phiếu các công ty vốn hóa nhỏ, thường được hưởng lợi nhiều nhất từ môi trường lãi suất thấp, đã có một số thành tích nổi bật. Chỉ số Russell 2000 hoạt động vượt trội với mức tăng 2,44% trong ngày nhưng sau đó chốt phiên chỉ nhích nhẹ 0,04%.
Các ngân hàng khu vực, với một số từng gặp khó khăn vì lãi suất cao, cũng tăng điểm. Chỉ số KBW Regional Bank có thời điểm “nhảy vọt” 3,53% nhưng nhanh chóng “đuối sức” và kết phiên tăng 0,46%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,63 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 10,82 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, dựa trên niềm tin rằng lạm phát đang tiến gần về mục tiêu 2%, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm và hiện tập trung vào việc duy trì sự ổn định của thị trường lao động.
“Fed đã mạnh tay thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau 4 năm. Có những tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ tiếp tục giảm thêm 0,5 điểm phần trăm nữa vào cuối năm nay”, Brian Jacobsen, nhà kinh tế trưởng tại Annex Wealth Management đưa ra lưu ý.
Chi phí đi vay đã được giữ ở mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ kể từ tháng 7/2023, khi ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất lên phạm vi 5,25%-5,50% để đối phó với lạm phát. "Fed khẳng định rằng bằng cách giảm mạnh lãi suất trước, họ có thể giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,4% và lạm phát sẽ nhanh chóng trở về mục tiêu”, ông Jacobsen nói thêm.
Hiện tại, thị trường đang nghiêng về khả năng Fed sẽ cắt giảm ít nhất là 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 11. Khoảng 35% đặt cược cho một đợt cắt giảm 0,5 điểm phần trăm khác.
GIÁ DẦU SUY GIẢM
Giá dầu có xu hướng giảm nhẹ khi thông báo cắt giảm lãi suất của Fed đặt ra câu hỏi về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Hợp đồng tương lai dầu Brent chốt phiên ở mức 73,65 USD/thùng, giảm 5 cent, trong khi giá dầu WTI giảm 28 cent xuống còn 70,91 USD/thùng.
Động thái cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm của Fed làm dấy lên lo ngại rằng ngân hàng trung ương có thể nhận thấy thị trường việc làm đang chậm lại. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ thường thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu năng lượng, nhưng một thị trường lao động yếu có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, kho dự trữ dầu thô đã giảm 1,6 triệu thùng xuống còn 417,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13/9, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), cao hơn nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters về mức giảm 500.000 thùng.
Dữ liệu từ kho dự trữ, cho thấy lượng tồn kho giảm xuống mức thấp nhất trong một năm, đã hạn chế phần nào đà giảm giá.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang liên hệ việc sụt giảm với cơn bão Francine, một sự kiện ngắn hạn, ông Bob Yawger, giám đốc năng lượng tại ngân hàng Mizuho chỉ ra. "Vấn đề với các báo cáo có liên quan đến yếu tố thời tiết là con số thường có xu hướng quay ngược lại trong báo cáo tuần tiếp theo khi cơ sở hạ tầng dầu quay trở lại hoạt động”, ông Yawger giải thích.