Chứng khoán Mỹ hồi phục trong phiên 26/5
Trong phiên giao dịch ngày 26/5, thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc sau một tuần ảm đạm trong bối cảnh nguy cơ vỡ nợ đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Phiên đầu tuần 22/5, các chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng nhẹ, giữa bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi cuộc đàm phán về trần nợ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, khi chỉ còn 10 ngày trước thời điểm sớm nhất mà Bộ Tài chính cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ.
Đàm phán không đạt được đột phá với cắt giảm chi tiêu công vẫn là bất đồng chính giữa hai bên. Diễn biến này khiến chứng khoán Phố Wall đồng loạt sụt giảm trong phiên 23/5 khi nguy cơ vỡ nợ của Mỹ gia tăng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trước đó cảnh báo một thỏa thuận phải đạt được trước ngày 1/6 tới.
Tâm lý lo ngại về trần nợ tiếp tục lan tỏa trên thị trường, khiến các chỉ số chính tiếp tục giảm điểm trong phiên 24/5. Bên cạnh đó, biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các nhà kinh tế tại ngân hàng trung ương vẫn dự đoán về một "cuộc suy thoái nhẹ" vào đầu tháng này.
Các nhà phân tích đã nêu ra những lo ngại ngày càng tăng về khả năng vỡ nợ của Mỹ sau khi cơ quan xếp hạng Fitch đưa tín dụng xếp hạng AAA của nước này vào "xếp hạng theo dõi tiêu cực", trong bối cảnh các cuộc đàm phán về nâng trần nợ của Mỹ bị đình trệ.
Đáng chú ý, trong phiên 25/5, chỉ số S&P và Nasdaq phục hồi sau khi các cổ phiếu công nghệ tăng vọt. Hãng sản xuất chip Nvidia của Mỹ báo cáo thu nhập bội thu nhờ sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI).
Đến phiên cuối tuần (26/5), thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc khi nhà đầu tư hy vọng vào triển vọng Nhà trắng đạt được thỏa thuận tăng trần nợ công và các cơ hội phát triển của công nghệ AI.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng thêm 1% lên 33.093,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,3% và đóng cửa phiên ở mức 4.205,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 2,19% lên 12.975,69 điểm.
Mike Wilson, chiến lược gia trưởng về chứng khoán Mỹ của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, nhận định rằng, các nhà đầu tư dường như đang lạc quan hơn so với đầu tháng 12/2022 nhờ kỳ vọng vào xu hướng công nghệ AI.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Quốc hội và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận trong suốt ngày 26/5. Theo hãng tin CNBC, hai bên đang tập trung vào một thỏa thuận sẽ tăng trần nợ của Mỹ trong hai năm.
Theo ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ môi giới OANDA có trụ sở tại New York, Phố Wall bắt đầu lo lắng khi thời hạn chót đã cận kề. Kịch bản vỡ nợ của Mỹ dường như là điều không thể tưởng tượng được và mặc dù có rất nhiều bình luận tích cực từ cả hai bên, các cuộc đàm phán vẫn có rủi ro đổ vỡ.
Các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến dữ liệu mới được công bố ngày 26/5 cho thấy lạm phát tháng Tư tăng cao hơn dự kiến. Một số nhà phân tích dự đoán Fed có thể tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo để kiểm soát lạm phát.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ trong tháng 4/2023 đã tăng 4,4%, cao hơn mức 4,2% trong tháng Ba, theo dữ liệu của Bộ Thương mại. Chỉ số PCE lõi, không bao gồm giá lương thực và năng lượng, đã tăng 4,7%, cao hơn so với mức 4,6% trong tháng Ba.
Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, không loại trừ khả năng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng Sáu. Bà nhấn mạnh, dữ liệu ngày 26/5 cho thấy Fed còn nhiều việc phải làm.
Theo công cụ theo dõi dự báo lãi suất của CME FedWatch, xác suất Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC, cơ quan hoạch định chính sách của Fed) tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 25 điểm cơ bản vào tháng Sáu đã tăng lên 70%.