Chứng khoán Mỹ khép tuần tăng điểm; Dầu quay đầu trượt giá

Phố Wall tăng điểm ngày 13/9 trước khi diễn ra cuộc họp sắp tới của Fed. Trong khi đó, giá dầu giảm khi sản lượng dầu thô của Vịnh Mexico phục hồi sau cơn bão Francine.

S&P 500 và Nasdaq Composite ghi nhận tuần tăng mạnh nhất từ đầu năm 2024

Khép phiên, chỉ số S&P 500 tiến 0,54% lên 5.626 điểm, thấp hơn 1% so với mức cao mọi thời đại đã đạt được vào tháng 7. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,65% lên 17.683,98 điểm. Cả 2 chỉ số này đều ghi nhận 5 phiên leo dốc liên tiếp. Chỉ số Dow Jones bứt phá 297 điểm, tương đương 0,72%, lên 41.393,78 điểm.

Tiện ích, dịch vụ truyền thông và công nghiệp là những lĩnh vực dẫn đầu đà tăng của thị trường vào 13/9, với mỗi lĩnh vực tăng khoảng 1%.

Nhà đầu tư cũng tiếp tục mua vào các cổ phiếu chất bán dẫn và công nghệ vốn hóa lớn, qua đó giúp thúc đẩy đà phục hồi trong tuần này sau khi các cổ phiếu công nghệ bị bán tháo gần đây. Cổ phiếu Super Micro Computer và Arm Holdings lần lượt thêm 3,4% và 5,9%. Cổ phiếu Alphabet tiến 1,8% và cổ phiếu Uber nhảy vọt hon 6%.

Tuần này, S&P 500 tăng 4% và Nasdaq Composite tiến 5,9%, đánh dấu tuần tốt nhất trong năm nay của cả 2 chỉ số. Dow Jones cộng 2,6% trong tuần.

Phố Wall hiện đang hướng tới cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 17 và 18/9, tại đây ngân hàng trung ương hầu hết được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất 0,25%. Hiện tại, mức lãi suất mục tiêu của Fed là 5,25-5,5%.

Dữ liệu kinh tế phản ánh sự điều tiết lạm phát cũng có vẻ ủng hộ cho kỳ vọng hạ lãi suất. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 tại Mỹ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Trong khi, giá bán buôn tăng 0,2% trong tháng 8, phù hợp với dự báo.

Dầu tăng trong tuần dù giảm trong phiên

Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 36 xu, tương đương 0,5%, xuống 71,61 USD/thùng. Còn hợp đồng dầu WTI mất 32 xu, tương đương 0,5%, còn 68,65 USD/thùng.

Bob Yawger, Giám đốc hợp đồng năng lượng tại Mizuho, cho biết: “Khi hoạt động sản xuất và lọc dầu tại Bờ Vịnh nước Mỹ được nối lại, nhà đầu tư đã chọn bán tháo các hợp đồng dầu vào cuối tuần".

Tuần này, các hợp đồng dầu tương lai tăng sau khi nhảy vọt do liên quan đến cơn bão vào đầu tuần, chấm dứt chuỗi lao dốc nhiều tuần. Giá dầu Brent tăng 0,8%, còn dầu WTI cộng 1,4% trong tuần này.

Dữ liệu chính thức cho thấy tính đến ngày 12/9, bão Francine đã gần như làm giảm 42% sản lượng dầu trong khu vực, chiếm khoảng 15% sản lượng dầu của Mỹ.

Giá dầu thô cũng bị ảnh hưởng bởi số lượng giàn khoan tại Mỹ từ báo cáo của Baker Hughes, cho thấy số giàn khoan dầu khí tại Mỹ có tuần tăng mạnh nhất trong 1 năm.

Cụ thế, số giàn khoan dầu và khí đốt tại Mỹ đã tăng 8 giàn trong tuần kết thúc ngày 13/9 lên 590 giàn, trở lại mức hồi giữa tháng 6. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tuần kết thúc ngày 15/9/2023. Tuần này, số giàn khoan dầu cộng 5 giàn lên 488 giàn, còn số giàn khoan khí đốt tăng 3 giàn lên 97 giàn.

Cả Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu trong tuần này, với lý do là những khó khăn kinh tế ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Hôm 11/9, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu tại Mỹ tăng vào tuần trước, do nhập khẩu dầu thô tăng và xuất khẩu giảm, trong khi nhu cầu nhiên liệu suy yếu.

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/chung-khoan-my-khep-tuan-trong-sac-xanh-dau-quay-dau-truot-gia-post117027.html