Chứng khoán Mỹ lặng sóng trước thềm sự kiện quan trọng của Fed

Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên ngày 20/8 khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi thông tin tại Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole, dự kiến khai mạc vào ngày 23/8.

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đi xuống trong ngày 20/8. Ảnh: AP

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đi xuống trong ngày 20/8. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones sụt 61,56 điểm (tương đương 0,15%) xuống còn 40.834,97 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,2% về mức 5.597,12 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 0,33% xuống 17.816,94 điểm.

Trước phiên lao dốc này, thị trường Phố Wall đã chứng kiến chuỗi 8 phiên tăng của S&P 500 và Nasdaq Composite, dài nhất kể từ cuối năm 2003. Chỉ số Dow Jones cũng tăng liền 5 phiên. Nếu tiếp tục đi lên trong phiên ngày 20/8, S&P 500 sẽ thiết lập được chuỗi phiên tăng dài nhất kể từ năm 2004.

Bất chấp phiên giao dịch biến động trong ngày 20/8, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đã phục hồi. Đồng thời, biến động thị trường đã giảm mạnh kể từ đầu tháng. Chỉ số biến động CBOE hay VIX hiện giảm về còn 16 điểm. Trước đó, trong ngày 5/8, chỉ số này có thời điểm chạm mốc 65.

Đầu tháng này, chỉ số S&P 500 từng ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2022 do dữ liệu việc làm yếu hơn kỳ vọng và quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Tuy nhiên, số liệu bán lẻ tích cực và dữ liệu lạm phát thấp hơn dự báo đã giúp xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư về nền kinh tế Mỹ. Hiện chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đã tăng hơn 1%, phục hồi mạnh mẽ sau đợt bán tháo vào đầu tháng.

“Sau đợt bán tháo ồ ạt, các nhà đầu tư đã đánh giá lại tình hình và thị trường trở lại với những nguyên tắc cơ bản như doanh nghiệp và nền kinh tế. Đó là động lực để họ mua cổ phiếu trở lại” - chiến lược gia đầu tư cấp cao Tom Hainlin tại U.S. Bank Wealth Management nhận định với đài CNBC.

Tuần này không có nhiều dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố, nên sự chú ý của thị trường tập trung vào biên bản cuộc họp tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dự kiến công bố vào ngày thứ Tư, và bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole vào ngày 23/8.

Thị trường hiện tại đã chắc chắn rằng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong cuộc họp chính sách vào tháng 9, và cuộc tranh luận xoay quanh việc Fed sẽ giảm lãi suất bao nhiêu trong lần đầu tiên này.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, khả năng Fed giảm lãi suất với mức 0,25% trong cuộc họp tới là 67,5%, còn khả năng giảm 0,5% là 32,5%.

Chiến lược gia Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định, giới chức Fed đang muốn phát tín hiệu rằng họ đang phản ứng kịp thời thay vì chậm trễ với những chuyển biến trong nền kinh tế. Nhưng đồng thời, “Fed không muốn quá quyết liệt trong việc loại bỏ áp lực giá cả.

Phù hợp với kỳ vọng lãi suất sắp giảm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 3,818%. Cùng với đó, chỉ số USD - phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh với các đồng tiền chủ chốt khác, giảm còn 101,41 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 1.

Theo ông Chuck Carlson - Giám đốc điều hành Công ty Horizon Investment Services ở Hammond, bang Indiana (Mỹ), bài phát biểu của ông Powell như thường lệ sẽ được phân tích kỹ lưỡng, để đưa ra những manh mối mới cho thị trường liên quan đến số lần và thời điểm Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay và năm tới.

Trong một diễn biến khác, cổ phiếu công ty an ninh mạng Palo Alto Networks tăng hơn 7% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 2 vượt dự báo của các nhà phân tích. Ngoài ra, công ty có kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 500 triệu USD.

Cổ phiếu nhà bán lẻ Lowe’s mất hơn 1% sau khi công ty báo cáo doanh thu kém hơn dự kiến và hạ triển vọng lợi nhuận hàng năm. Cổ phiếu của Bank of America cũng giảm khoảng 2,5% khi tập đoàn Berkshire Hathaway tiếp tục bán tháo cổ phiếu ngân hàng này.

Nguyễn Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-my-lang-song-truoc-them-su-kien-quan-trong-cua-fed.html