Chứng khoán Mỹ lao dốc rồi tăng mạnh sau báo cáo CPI, giá dầu hồi hơn 2%

Một đợt xả mạnh cổ phiếu đã xảy ra khi thị trường mới mở cửa, sau khi báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi tăng nhỉnh hơn so với dự báo. Tuy nhiên sau đó thị trường lại quay đầu đi lên bất ngờ...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (11/9), khi nhà đầu tư cố gắng phân tích xem liệu báo cáo lạm phát mới nhất sẽ tác động như thế nào đến quyết định lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá dầu thô hồi phục mạnh vì mối lo về sự gián đoạn hoạt động sản xuất dầu kéo dài trên Vịnh Mexico do cơn bão Francine.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 1,07%, đạt 5.554,13 điểm. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022 thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ giảm hơn 1% rồi lại đóng cửa tăng hơn 1% trong cùng một phiên giao dịch.

Chỉ số Dow Jones tăng 124,75 điểm, tương đương tăng 0,31%, chốt ở mức 40.861,71 điểm. Khi chạm đáy của phiên, thước đo gồm 30 cổ phiếu blue-chip thành viên này giảm tới 743,89 điểm.

Chỉ số Nasdaq cũng giảm sâu trước khi chốt phiên với mức tăng 2,17%, đạt 17.395,53 điểm.

Cổ phiếu công nghệ giữ vai trò dẫn dắt sự phục hồi ngoạn mục của thị trường sau cú bán tháo vào đầu phiên. Vào buổi chiều, nhà đầu tư mạnh tay gom mua các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và cổ phiếu chip, giúp Nasdaq bứt phá mạnh nhất trong số ba chỉ số. Cổ phiếu hãng sản xuất chip Nvidia đóng cửa với mức tăng 8%, trong khi một hãng chip khác là AMD chứng kiến mức tăng gần 5%.

Nhóm ngân hàng, gồm những cái tên như JPMorgan Chase và Goldman Sachs, cũng chuyển “xanh” sau khi chạm đáy và kết thúc phiên với mức tăng khiêm tốn.

Một trận xả cổ phiếu đã xảy ra khi thị trường mới mở cửa, sau khi báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi tăng nhỉnh hơn so với dự báo dù mức tăng cả năm của chỉ số toàn phần đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Số liệu này gần như dập tắt hy vọng của nhà đầu tư về việc Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tuần tới.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 86% Fed chọn mức giảm 0,25 điểm phần trong trong lần giảm đầu tiên vào ngày 18/9, và khả năng của mức giảm 0,5 điểm phần trăm chỉ còn 14%.

“Báo cáo CPI không đến mức quá tệ, nhưng điều mà thị trường không muốn chứng kiến là CPI lõi tăng cao hơn so với kỳ vọng. Tôi cho rằng đó là một cốc nước lạnh dội vào hy vọng lãi suất giảm 0,5 điểm phần trăm. Kỳ vọng đó giờ đã gần như không còn nữa”, chiến lược gia trưởng Steve Sosnick của công ty Interactive Brokers nói với hãng tin CNBC.

Số liệu CPI mới được đưa ra vào thời điểm yếu tố mùa vụ không thuận lợi đối với các nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall. Trong 10 năm trở lại đây, tháng 9 là tháng tệ nhất trong năm của S&P 500, với mức giảm bình quân hơn 1%. Trong 4 năm gần nhất, tháng 9 nào chỉ số này cũng giảm điểm.

Sau báo cáo CPI công bố ngày thứ Tư, mối quan tâm của giới đầu tư trong phiên giao dịch ngày thứ Năm sẽ hướng tới một báo cáo lạm phát khác của Mỹ là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI).

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,42 USD/thùng, tương đương tăng 2,05%, chốt ở mức 70,61 uSD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,56 USD/thùng, tương đương tăng 2,37%, chốt ở 67,31 USD/thùng.

Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu thô tồn trữ thương mại của nước này tăng 833.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 6/9, đạt 419,1 triệu thùng. Mức tăng này ít hơn so với mức dự báo tăng 987.000 thùng mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, nhờ đó hỗ trợ giá dầu hồi phục.

Quan trọng hơn, lượng dầu thô tồn trữ tại cảng dầu Cushing ở bang Oklahoma, trung tâm giao hàng dầu thô của Mỹ, giảm 1,7 triệu thùng trong kỳ báo cáo.

“Dữ liệu của EIA cho thấy lượng tồn trữ ở Cushing đã giảm 9 trong 10 tuần trở lại đây, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái”, nhà phân tích Matt Smith của công ty Kpler nhấn mạnh với Reuters.

Ngoài ra, giá dầu phiên này còn được hỗ trợ bởi mối lo liên quan đến bão Francine. Cơn bão lớn đang quét qua Vịnh Mexico, một khu vực sản xuất dầu chủ lực của Mỹ - nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, và chuẩn bị đổ bộ vào bang Louisiana. Giới quan sát lo ngại ảnh hưởng của bão có thể khiến hoạt động sản xuất dầu trên Vịnh Mexico gián đoạn kéo dài.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang đương đầu với áp lực giảm từ triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu ảm đạm.

Hôm thứ Ba, giá dầu Brent giảm dưới 70 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 12/2021, và giá dầu WTI rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cắt giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-lao-doc-roi-tang-manh-sau-bao-cao-cpi-gia-dau-hoi-hon-2.htm