Chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh do lo ngại căng thẳng thương mại leo thang
Thị trường tài chính toàn cầu lại chao đảo khi chỉ số S&P 500 sụt 3,5% trong phiên thứ Năm, xóa sạch đà tăng vừa đạt được sau quyết định hoãn áp thuế của Tổng thống Trump
Chỉ số S&P 500 giảm 3,5% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi giới đầu tư một lần nữa lo ngại về tình trạng căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cùng những tác động gây bất ổn từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Diễn biến này xảy ra chỉ một ngày sau khi thị trường ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 2008, nhờ phản ứng tích cực trước quyết định của ông Trump hoãn nhiều kế hoạch áp thuế trong ba tháng. Tuy nhiên, mức tăng đó nhanh chóng bị xóa sổ sau khi Tổng thống tuyên bố đã nâng tổng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc thêm 145% kể từ khi nhậm chức.
Thị trường trái phiếu chính phủ cũng phát đi tín hiệu tiêu cực. Trái phiếu Kho bạc Mỹ bị bán tháo, đẩy lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng lên khoảng 4,4%, mức cao nhất kể từ tháng 2. Chỉ số Nasdaq Composite, với tỷ trọng lớn các cổ phiếu công nghệ, mất hơn 4%. Các "ông lớn" như Apple, Nvidia và nhiều doanh nghiệp công nghệ khác đồng loạt giảm sâu. Giá dầu thô cũng lao dốc, giao dịch dưới mức 64 USD/thùng.
Bất chấp những biến động mạnh trên thị trường, chính quyền Tổng thống Trump vẫn tỏ ra bình thản. “Tôi không thấy điều gì bất thường,” Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói với báo chí.
Cùng ngày, Nhà Trắng ra thông báo làm rõ mức thuế nhập khẩu 125% đối với Trung Quốc, công bố hôm thứ Tư, là khoản cộng thêm vào mức thuế 20% trước đó, nhằm đáp trả vai trò của Trung Quốc trong việc cung cấp fentanyl và các tiền chất của nó vào Mỹ. Các mức thuế mới đối với ô tô, thép và nhôm cũng được giữ nguyên.
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Liên minh châu Âu (EU) đã phản ứng bằng cách tuyên bố hoãn áp dụng thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ trong 90 ngày, nhằm tạo cơ hội cho đàm phán.
Tuy nhiên, việc trì hoãn thuế quan chỉ đối với một số quốc gia không đủ để trấn an giới chuyên gia kinh tế. Nhiều nhà phân tích cảnh báo tác động đầy đủ của cuộc chiến thương mại Washington - Bắc Kinh sẽ chỉ lộ rõ trong vài tuần tới.
Một báo cáo công bố hôm thứ Năm cho thấy lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt hơn dự kiến trong tháng 3, mang lại điều mà các nhà kinh tế nhận định là sự "giảm nhiệt tạm thời" trước khi các mức thuế mới làm bùng phát áp lực giá cả trở lại. Dù một số quốc gia được hoãn áp thuế, các chuyên gia lưu ý rằng những mức thuế đã áp dụng vẫn sẽ gây thiệt hại đáng kể, làm tăng trưởng kinh tế chậm lại và đẩy lạm phát cao hơn.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang sau khi ông Trump ám chỉ đang chờ Chủ tịch Tập Cận Bình chủ động lên tiếng để khởi động đàm phán, trong khi Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đối thoại nhưng không chấp nhận bị ép buộc. “Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận, họ chỉ không biết bắt đầu từ đâu,” ông Trump nói.
Về phía EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết việc tạm hoãn thuế trả đũa nhằm "tạo cơ hội cho đàm phán", nhưng cảnh báo nếu không đạt được thỏa thuận, các mức thuế sẽ được thực thi.
Trong nước, nông dân Mỹ, đặc biệt tại các bang nông nghiệp từng ủng hộ ông Trump, đang chịu thiệt hại nặng nề do mất Trung Quốc - một thị trường xuất khẩu chủ chốt. Ông Caleb Ragland, nông dân tại Kentucky kiêm Chủ tịch Hiệp hội Đậu nành Mỹ, cảnh báo nếu tình hình kéo dài, nhiều nông trại sẽ buộc phải đóng cửa.
Một báo cáo khác cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng trước tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, song dữ liệu này được thu thập trước khi các mức thuế mới có hiệu lực.
Trong nội bộ đảng Cộng hòa, nhiều nghị sĩ rơi vào thế khó xử giữa lập trường truyền thống chống thuế quan và áp lực phải ủng hộ Tổng thống. Nhiều người đã hoan nghênh quyết định trì hoãn 90 ngày như một lối thoát tạm thời.
Trên thị trường quốc tế, chứng khoán châu Á và châu Âu phục hồi mạnh theo đà tăng của thị trường Mỹ phiên trước, với Đài Loan và Nhật Bản dẫn đầu mức tăng, đều vượt hơn 9%.
Theo Tổng hợp