Chứng khoán Mỹ lao dốc trước cuộc họp quan trọng của Fed

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp khi giới đầu tư thận trọng chờ thông tin từ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chứng khoán Mỹ tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 6/5, do giới đầu tư thất vọng với những tín hiệu không nhất quán từ chính quyền Tổng thống Donald Trump về tiến trình đàm phán các thỏa thuận thương mại. Bên cạnh đó, thị trường giao dịch ảm đạm hơn trước thềm cuộc họp chính sách quan trọng của Fed.

Cổ phiếu Goldman Sachs giảm 1,8% trong phiên ngày 6/5. Ảnh: Nasdaq.com

Cổ phiếu Goldman Sachs giảm 1,8% trong phiên ngày 6/5. Ảnh: Nasdaq.com

Chốt phiên, chỉ số Dow Jones mất 389,83 điểm, tương đương 0,95%, xuống còn 40.829 điểm. S&P 500 giảm 0,77% còn 5.606,91 điểm, trong khi Nasdaq Composite lùi 0,87% xuống 17.689,66 điểm. Đây là phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp của cả ba chỉ số chính trên sàn Phố Wall.

Các cổ phiếu lớn đồng loạt đi xuống. Tesla giảm 1,8% sau khi doanh số bán xe tại Anh và Đức trong tháng 4 chạm mức thấp nhất hơn 2 năm mặc dù nhu cầu xe điện nói chung vẫn tăng. Cổ phiếu của ngân hàng Goldman Sachs cũng sụt 1,8%, ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số Dow Jones. Các ông lớn công nghệ như Nvidia và Meta Platforms không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh.

Tâm lý thị trường dao động mạnh sau khi Tổng thống Trump có cuộc gặp với Thủ tướng Canada Mark Carney, khởi động vòng đàm phán đầu tiên giữa hai nước láng giềng. Tại cuộc gặp, thay vì đưa ra tín hiệu tích cực, ông Trump bất ngờ tuyên bố: “Chúng ta không nhất thiết phải ký bất kỳ thỏa thuận nào”.

Tuyên bố này của Tổng thống Trump trái ngược với những gì Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã nói trước đó. Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Bessent cho biết “chúng tôi đang tiến rất gần tới một số thỏa thuận thương mại”.

Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 6/5, ông Bessent thậm chí còn khẳng định rằng chính quyền Washington có thể hoàn tất 80-90% các thỏa thuận thương mại với những đối tác chủ chốt ngay trong năm nay, và có thể sớm hơn. Dù vậy, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ thỏa thuận chính thức nào được công bố.

“Sự bất nhất trong phát ngôn của chính quyền Tổng thống Trump khiến giới đầu tư cảm thấy bất an. Những kỳ vọng về một bước đột phá thương mại tiếp tục bị trì hoãn” - chuyên gia Tim Ghriskey tại công ty đầu tư Ingalls & Snyder nhận định.

Theo ông Ghriskey, Trung Quốc tiếp tục là “lá bài khó đoán” nhất trong tiến trình đàm phán. “Tôi không nghĩ EU hay Canada sẽ dễ thỏa hiệp, nhưng Trung Quốc mới thực sự là đối tác khó khăn nhất”.

Tỷ phú quản lý quỹ phòng hộ Paul Tudor Jones thậm chí còn đưa ra cảnh báo nặng nề hơn: “Ngay cả khi ông Trump nới lỏng mức thuế với Trung Quốc về 50% hay 40%, đây vẫn là một trong những đợt tăng thuế lớn nhất kể từ thập niên 1960. Điều đó có thể khiến tăng trưởng GDP của Mỹ giảm thêm 2-3%.”

Ông Jones cũng nhận định rằng chỉ số S&P 500 có thể tiếp tục lập mức đáy mới trong năm, xuống dưới ngưỡng 4.982,77 điểm ghi nhận vào ngày 8/4 vừa qua.

Ngoài yếu tố thương mại, tâm điểm chú ý của thị trường trong tuần này là cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày của Fed, bắt đầu từ thứ Ba. Giới phân tích kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất, với khả năng hạ lãi suất trong ngắn hạn gần như bằng 0.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang chờ đợi phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại buổi họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc và áp lực từ các biện pháp thuế quan gia tăng.

“Bất chấp những áp lực chính trị yêu cầu hạ lãi suất, Fed có thể sẽ giữ nguyên chính sách hiện tại cho đến khi có cái nhìn rõ ràng hơn về xu hướng kinh tế” – chuyên gia kinh tế trưởng Steve Rick tại TruStage nhận định. “Tác động của các đợt áp thuế vẫn chưa thể hiện đầy đủ, nhưng rõ ràng nền kinh tế đang chậm lại so với vài tháng trước”.

Trong khi đó, dữ liệu mới công bố từ Bộ Thương mại Mỹ càng khiến giới đầu tư lo lắng, khi thâm hụt thương mại trong tháng 3 tăng mạnh lên mức kỷ lục 140,5 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các doanh nghiệp ồ ạt nhập khẩu hàng hóa trước khi các mức thuế mới có hiệu lực.

Tình trạng bất ổn trong quan hệ thương mại, cộng với chính sách tiền tệ thận trọng từ Fed, đang tạo ra môi trường đầy thách thức đối với thị trường cổ phiếu trong những tuần tới.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-my-lao-doc-truoc-cuoc-hop-quan-trong-cua-fed.696598.html