Chứng khoán Mỹ mất điểm vì cổ phiếu Salesforce, giá dầu tiếp tục trượt dốc

Tâm lý của nhà đầu tư ở Phố Wall nói chung đang thận trọng trước khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Sáu...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (30/5), khi cổ phiếu hãng phần mềm Salesforce trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây. Giá dầu thô cũng có thêm một phiên giảm, do những dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng ở Mỹ suy yếu, và trong lúc nhà đầu tư đợi một báo cáo lạm phát quan trọng.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 330,06 điểm, tương đương giảm 0,86%, còn 38.111,48 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,6%, còn 5.235,48 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,08%, còn 16.737,08 điểm.

Cổ phiếu Salesforce sụt 19,7% sau khi công ty đưa ra báo cáo kết quả kinh doanh quý với doanh thu không đạt kỳ vọng, kèm theo dự báo gây thất vọng về quý tới. Đây là phiên giảm mạnh nhất của cổ phiếu này kể từ năm 2004.

Góp phần kéo tụt thị trường phiên này còn có cổ phiếu hãng chip Nvidia - tâm điểm của cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) ở Phố Wall. Nvidia giảm hơn 3%, đánh dấu phiên giảm đầu tiên kể từ khi công bố kết quả kinh doanh rực rỡ vào tuần trước. Chưa kể, một cổ phiếu công nghệ với mức vốn hóa khổng lồ khác là Microsoft cũng giảm hơn 3%, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10.

Do đây đều là những cổ phiếu có tỷ trọng vốn hóa lớn, việc các cổ phiếu này sụt giá đã nhấn chìm các chỉ số trong sắc đỏ, đồng thời che giấu sự tăng điểm của các cổ phiếu khác. Chẳng hạn, S&P 500 dù giảm phiên này, nhưng có hơn 360 cổ phiếu thành viên của chỉ số chốt phiên trong trạng thái tăng.

Động lực cho sự tăng giá của một bộ phận cổ phiếu trong phiên này là báo cáo điều chỉnh từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới thực chất đạt được tốc độ tăng trưởng quý 1 yếu hơn so với công bố lần đầu. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng 1,3% trong 3 tháng đầu năm, thay vì tăng 1,6% như công bố lần đầu.

Sau khi số liệu này được đưa ra, thị trường gia tăng đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm nay, dẫn tới tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Hiện nay, nhà đầu tư ở Phố Wall vẫn xem các thông tin xấu về kinh tế Mỹ là tin tốt, vì củng cố khả năng Fed giảm lãi suất.

“Phản ứng ban đầu của thị trường sau báo cáo GDP điều chỉnh là khả năng Fed giảm lãi suất tăng lên, do tình trạng của nền kinh tế và tiêu dùng có thể khiến lạm phát yếu đi một chút”, Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli của công ty Independent Advisor Alliance nhận định với hãng tin Reuters.

Nhưng mặt khác, ông Zaccarelli nói thêm rằng nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại nền kinh tế giảm tốc sẽ kéo tụt lợi nhuận của các công ty niêm yết, từ đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn là tích cực đến giá cổ phiếu.

Phát biểu ngày thứ Năm, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams, nhận định thời điểm mà Fed có thể cắt giảm lãi suất vẫn còn thiếu rõ ràng, nhưng ông không nhận thấy sự cần thiết phải tăng thêm lãi suất.

Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee, thì nói rằng giới chức Fed “đang cố gắng xác định” liệu tỷ lệ thất nghiệp có cần tăng lên để khiến lạm phát giảm sâu hơn, vì tiến trình giảm lạm phát bây giờ không còn được hỗ trợ nhiều bởi những cải thiện trong chuỗi cung ứng và các lực lượng giúp giảm áp lực giá cả khác.

Phản ánh kỳ vọng giảm lãi suất tăng lên trong phiên này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 7,6 điểm cơ bản, còn 4,548%, từ mức 4,624% vào phiên trước.

Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư ở Phố Wall nói chung đang thận trọng trước khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Sáu. PCE là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, có ảnh hưởng lớn đến các quyết định chính sách tiền tệ của Fed.

Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các nhà kinh tế học dự báo PCE tháng 4 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed.

“Ở thời điểm này, thị trường đang có tâm lý ‘một bước tiến, một bước lùi”, Chủ tịch Jason Heller của công ty Coastal Wealth nói với hãng tin CNBC, nhấn mạnh rằng sau khi các chỉ số chứng khoán Mỹ lập kỷ lục gần đây, nhiều nhà giao dịch cũng muốn bán ra để giảm bớt rủi ro.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 7 tại New York giảm 1,32 USD/thùng, tương đương giảm 1,67%, còn 77,91 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 1,74 USD/thùng, tương đương giảm 2,08%, còn 81,86 USD/thùng.

Từ đầu tháng tới nay, giá dầu WTI đã giảm 4,9%, tiến tới hoàn tất tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 12 năm ngoái. Giá dầu Brent giảm 6,8%, chuẩn bị hoàn tất tháng giảm đầu tiên sau 4 tháng tăng liên tiếp.

Dầu sụt giá phiên ngày thứ Năm sau khi báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng xăng tồn trữ của Mỹ tăng 2 triệu thùng trong tuần trước do nhu cầu xăng giảm 166.000 thùng/ngày trong những ngày trước kỳ nghỉ lễ Tưởng niệm (Memorial Day) - mốc khởi đầu cho mùa lái xe cao điểm hàng năm ở nước này. Nhu cầu xăng bình quân hàng ngày trong kỳ báo cáo đạt 8,6 triệu thùng, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài báo cáo PCE của Mỹ, thị trường dầu hiện đang chờ cuộc họp sản lượng của OPEC+ vào ngày Chủ nhật tuần này, để xem kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng dầu/ngày có được duy trì tới cuối năm hay không. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-mat-diem-vi-co-phieu-salesforce-gia-dau-tiep-tuc-truot-doc.htm