Chứng khoán Mỹ sẽ biến động sau vụ ông Trump bị ám sát hụt
Chuyên gia nhận định chứng khoán Mỹ phiên đầu tuần sẽ biến động sau vụ ám sát ông Trump. Điều này củng cố suy đoán cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 của ông đã tăng lên.
Theo Bloomberg, chỉ số S&P 500 ít thay đổi trong phiên giao dịch sớm ở châu Á. Đồng USD tăng giá so với các loại tiền tệ trong khi Bitcoin đạt đỉnh hơn 60.000 USD sau vụ tấn công. Chứng khoán châu Á khởi đầu trái chiều sau khi hợp đồng tương lai ở Australia và Trung Quốc tăng vào, trong khi chứng khoán ở Hong Kong trượt dốc.
Giao dịch trái phiếu Mỹ đóng cửa ở châu Á do nghỉ lễ ở Nhật Bản. Hợp đồng tương lai của kho bạc Mỹ giảm, cho thấy lợi suất sẽ tăng khi giao dịch giao ngay bắt đầu ở London. Lợi suất trái phiếu Australia giảm thấp hơn.
Theo dữ liệu của PredictIt, sau cuộc ám sát hụt nhắm vào ông Trump hôm thứ Bảy khiến cơ hội để vị chính trị gia này trở thành tổng thống Mỹ một lần nữa tăng lên. Việc vị chính trị gia ủng hộ chính sách tài khóa nới lỏng hơn và mức thuế cao hơn thường được coi là có khả năng mang lại lợi ích cho đồng USD và làm suy yếu kho bạc.
Lợi suất trái phiếu Mỹ đã tăng vọt sau cuộc tranh luận kém thuyết phục của ông Joe Biden vào tháng trước, cho thấy sự nhạy cảm của kho bạc - đặc biệt là các chứng khoán có thời hạn dài hơn.
Các nhà giao dịch đang vật lộn với mức độ tác động đã được định giá lên thị trường khi tỷ lệ thắng cử của ông Trump tăng liên tục. Các tài sản khác có liên quan tích cực đến cái gọi là "thương vụ Trump" bao gồm cổ phiếu của các công ty năng lượng, nhà tù tư nhân, công ty thẻ tín dụng và công ty bảo hiểm y tế. Cổ phiếu năng lượng tái tạo cũng có thể bị ảnh hưởng.
Bitcoin có thể tăng hơn nữa, do cả sức hấp dẫn của nó đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm một hàng rào phòng ngừa bất ổn chính trị khỏi các tài sản tài chính thông thường và lập trường ủng hộ tiền điện tử của ông Trump.
Michael Purves tại Tallbacken Capital cho biết: “Về mặt cổ phiếu, tôi không nghĩ điều này sẽ thay đổi quỹ đạo ở cấp độ tổng thể, mặc dù một số cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ thuế doanh nghiệp thấp hơn".
Tại Mỹ, các nhà đầu tư đang phải vật lộn với những bất ổn liên quan đến lạm phát, lãi suất và địa chính trị. Ngoài ra, họ cũng đang chuẩn bị đối phó với những biến động có thể đi kèm với chiến dịch tranh cử tổng thống và cuộc bầu cử tháng 11.
Những năm bầu cử nhìn chung có tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán Mỹ. S&P 500 đã tăng trong hầu hết năm bầu cử kể từ năm 1960. Ngoại lệ là năm 2000 và 2008, lần lượt bị ảnh hưởng bởi vụ bong bóng Dotcom và cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Kỷ lục thậm chí còn tốt hơn đối với các chu kỳ bầu cử gần đây. Trong 3 năm bầu cử 2012, 2016, 2020, chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng ít nhất 10%.
Sự phục hồi của chứng khoán Mỹ kể từ tháng 4 đang phải đối mặt với thử thách lớn khi mùa công bố báo cáo tài chính tới. Các công ty sẽ phải gây ấn tượng khi kỳ vọng ngày càng tăng cao, đặc biệt là đối với các công ty có vốn hóa lớn.
Mặc dù vẫn đang vươn lên mạnh mẽ nhưng kết quả kinh doanh từ nhóm công nghệ lớn được dự đoán chậm lại. Các nhà phân tích ước tính lợi nhuận quý II của các thành viên S&P 500 sẽ tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng lớn nhất kể từ 3 tháng cuối năm 2021, theo dữ liệu của Bloomberg Intelligence.
Lần đầu tiên kể từ năm 2022, các nhà đầu tư có thể chuyển sự chú ý sang 493 công ty còn lại trong S&P 500.