Chứng khoán Mỹ tăng điểm dù cổ phiếu công nghệ bị bán mạnh, giá dầu tăng do mối lo nguồn cung
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ leo thang thời gian qua là một chất xúc tác dẫn tới việc nhà đầu tư bán tháo các cổ phiếu tăng trưởng như cổ phiếu công nghệ...
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai (13/1) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, với Dow Jones tăng khá mạnh trong khi Nasdaq mất điểm do các nhà giao dịch tiếp tục bán ra các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Giá dầu thô tăng lên mức cao nhất 4 tháng vì lo ngại rằng việc Mỹ siết trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga có thể khiến Trung Quốc và Ấn Độ phải tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 358,67 điểm, tương đương tăng 0,86%, chốt ở mức 42.297,12 điểm. Loạt cổ phiếu blue-chip như JPMorgan Chase và UnitedHeath được mua mạnh là động lực cho Dow Jones “xanh” phiên này.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,16%, chốt ở mức 5.836,22 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,38%, còn 19.088,1 điểm.
Plantir và Nvidia - hai cổ phiếu được nhà đầu tư cá nhân ưa chuộng nhất trong xu hướng thị trường đầu cơ giá lên (bull market) thời gian qua - bị bán mạnh trong phiên đầu tuần, giảm tương ứng hơn 3% và gần 2%. Trong tuần trước, Nvidia đã giảm 6% và Plantir giảm hơn 15%. Một số cổ phiếu Big Tech khác như Apple và Micron cũng chốt phiên trong sắc đỏ.
Năng lượng là nhóm cổ phiếu tăng nổi trội trong phiên này, với mức tăng hơn 2% nhờ giá dầu tăng mạnh.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ leo thang thời gian qua là một chất xúc tác dẫn tới việc nhà đầu tư bán tháo các cổ phiếu tăng trưởng như cổ phiếu công nghệ. Phiên ngày thứ Hai, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2023, kết thúc phiên ở mức 4,79%.
Xu hướng tăng của lợi suất được đẩy mạnh trong phiên ngày thứ Sáu sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm mạnh hơn dự báo - điểm dữ liệu khiến thị trường giảm kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất trong năm 2025.
“Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang tiến gần tới mức 5%. Tôi cho rằng sẽ rất khó để thị trường cổ phiếu thực sự có được lực đẩy mới, ít nhất cho tới khi lãi suất trở nên ổn định. Tôi không nghĩ là thị trường sẽ rơi vào trạng thái giá xuống, nhưng chắc chắn có khả năng xảy ra điều chỉnh trong ngắn hạn”, chiến lược gia kỹ thuật Adam Turnquist của công ty LPL Financial nhận xét.
Nhà đầu tư đang hy vọng việc khởi động mùa báo cáo tài chính quý 4/2024 sẽ giúp thị trường ổn định. Tuần này, loạt ngân hàng lớn gồm Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Bank of America sẽ công bố kết quả kinh doanh quý trước, khai màn mùa báo cáo ở Phố Wall.
Các số liệu kinh tế Mỹ quan trọng sẽ được công bố trong tuần này có chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 12 công bố vào ngày thứ Ba, tiếp đến là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày thứ Tư.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,25 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, chốt ở mức 81,01 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,25 USD/thùng, tương đương tăng 2,9%, chốt ở 78,82 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ hôm 26/8 và của dầu WTI kể từ hôm 12/8. Giá của hai loại dầu đã ở trong trạng thái kỹ thuật mua quá nhiều (overbought) trong hai ngày liên tiếp. Trong 3 phiên trở lại đây, giá dầu Brent và WTI đã tăng hơn 6%.
Mối quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường dầu đang tăng mạnh, đưa khối lượng dầu Brent trong các hợp đồng tương lai trên sàn ICE ở London vào hôm 10/1 vừa qua lên mức cao nhất kể từ khi lập kỷ lục vào tháng 3/2020. Tổng khối lượng dầu WTI trong các hợp đồng tương lai ở Sở giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2022.
Tuần trước, Mỹ đưa một loạt công ty dầu lửa và tàu chở dầu của Nga vào danh sách trừng phạt nhằm hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu thô của nước này. Sau động thái của Mỹ, các công ty lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu phải tìm kiếm nguồn cung dầu thay thế dầu Nga.
“Đang có một mối lo sợ thực sự trên thị trường về rủi ro gián đoạn nguồn cung. Kịch bản xấu nhất đối với dầu Nga có vẻ như đã trở thành một kịch bản rất thực tế. Nhưng mọi chuyện sẽ còn chưa rõ trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày thứ Hai tuần tới”, nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil nhận xét.
Goldman Sachs ước tính rằng số tàu chở dầu bị các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhắm đến vận chuyển tổng cộng 1,7 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2024, tương đương 25% tổng lượng xuất khẩu dầu của Nga. Goldman Sachs cho rằng trong ngắn hạn, giá dầu Brent có thể tiến dần tới mốc 85 USD/thùng.
Hãng tin Reuters cho biết có ít nhất 65 tàu chở dầu đã thả neo tại nhiều địa điểm, bao gồm ở khu vực bờ biển Trung Quốc và Nga, kể từ khi Mỹ công bố gói trừng phạt mới. Nhiều tàu trong số này đã được sử dụng để chở dầu tới Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngoài ra, một số nước châu Âu đang kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) hạ trần giá mà nhóm 7 nước công nghiệp phát triển G7 áp lên dầu Nga, cho rằng việc hạ trần sẽ làm Nga mất đi nguồn thu phục vụ cho xung đột với Ukraine và sẽ không gây ra một cú sốc trên thị trường.
Dù được hỗ trợ bởi mối lo gián đoạn nguồn cung dầu Nga, giá dầu vẫn đang đương đầu áp lực giảm từ triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc, xu hướng tăng giá của đồng USD và khả năng Fed giảm lãi suất ít trong năm 2025.