Chứng khoán Mỹ trượt dốc, giá dầu rơi xuống mức thấp nhất trong 1 tuần

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm vào thứ Ba khi tâm lý đầu tư thận trọng hơn trước thềm thông báo chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…

Kết thúc phiên 17/12, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 267,58 điểm (+0,61%) xuống 43.449,90 điểm, S&P 500 mất 23,47 điểm (-0,39%) thành 6.050,61 điểm và Nasdaq Composite trượt 64,83 điểm(-0,32%) còn 20.109,06 điểm.

Trong khi Nasdaq đã đạt mức cao kỷ lục vào thứ Hai và S&P 500 ghi nhận mức tăng gần 27% trong năm nay, thì chỉ số Dow Jones lại liên tục gặp khó khăn, thậm chí chứng kiến chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 2/1978.

Gần như toàn bộ 11 nhóm ngày chính thuộc S&P đều nhuốm sắc đỏ, trong đó công nghệ có mức giảm mạnh nhất (-0,9%). Ngược lại, hàng tiêu dùng không thiết yếu là lĩnh vực duy nhất tăng điểm, được thúc đẩy bởi cổ phiếu Tesla (+3,6%) sau khi Mizuho nâng mục tiêu giá cổ phiếu lên 515 USD.

Chỉ số CBOE Volatility Index, được xem là “thước đo nỗi sợ hãi” của Phố Wall, tăng vượt mốc 15 lần đầu tiên sau gần ba tuần, đóng cửa ở mức 15,87 điểm – mức cao nhất kể từ ngày 21/11. Chỉ số Russell 2000, đại diện cho các công ty vốn hóa nhỏ nhạy cảm hơn với lãi suất cao, giảm 1,2%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 16,17 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 14,11 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 11 đã leo cao hơn dự kiến, một phần được hỗ trợ bởi doanh số bán xe cơ giới và mua sắm trực tuyến.

Hiện tại, sự chú ý của các nhà đầu tư đang hướng về thông báo chính sách của Fed vào thứ Tư, với gần như toàn bộ thị trường đều tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm.

Thực tế, trọng tâm sẽ còn nằm ở báo cáo Tóm tắt Dự báo Kinh tế (SEP) của Fed và các bình luận từ Chủ tịch Jerome Powell, dự kiến tiết lộ mức độ quyết liệt mà ngân hàng trung ương Mỹ dự định sẽ áp dụng trong lộ trình lãi suất năm 2025.

“Ai cũng biết chúng ta sẽ có mức cắt giảm 0,25 điểm phần trăm… nhưng vẫn chưa rõ ông Powell sẽ nói những gì tại buổi họp báo và nội dung SEP sẽ như nào. Do vậy, thị trường có chút hồi hộp lo lắng”, Jason Ware, Giám đốc Đầu tư tại Albion Financial Group nhận định.

GIÁ DẦU CHẠM MỨC THẤP NHẤT TRONG 1 TUẦN

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm khoảng 1% vào thứ Ba do lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu sau khi xuất hiện tin tức kinh tế tiêu cực từ Đức và Trung Quốc.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 72 cent, tương đương 1%, xuống còn 73,19 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 63 cent, tương đương 0,9%, xuống mức 70,08 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của Brent kể từ ngày 10/12. Chênh lệch giá giữa Brent và WTI giảm xuống còn 3,54 USD/thùng - mức thấp nhất trong 12 tuần.

Các nhà phân tích cho biết, khi chênh lệch giữa Brent và WTI giảm xuống dưới 4 USD/thùng, các công ty năng lượng không còn động lực tài chính để vận chuyển dầu từ Mỹ sang nước ngoài và điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm trong xuất khẩu dầu thô của nền kinh tế số 1 thế giới.

Tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, doanh số bán lẻ tháng 11 tiếp tục gây thất vọng, từ đó gia tăng áp lực lên chính phủ Bắc Kinh trong việc đẩy mạnh các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị đối phó với thuế quan thương mại mới của Mỹ khi ông Donald Trump lên nhận chức.

Ở Đức - nền kinh tế hàng đầu Châu Âu - niềm tin kinh doanh đã suy giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 12 do các công ty tỏ ra bi quan về triển vọng sắp tới khi bất ổn địa chính trị và tình trạng suy thoái trong ngành công nghiệp vẫn tiếp diễn, theo khảo sát của Viện Ifo.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/chung-khoan-my-truot-doc-gia-dau-roi-xuong-muc-thap-nhat-trong-1-tuan-post556715.html