Chứng khoán Mỹ và dầu thô đồng loạt bán tháo sau báo cáo việc làm Mỹ

'Giá cổ phiếu đương đầu với mối lo tăng trưởng kinh tế. Thị trường bị giằng co giữa hai câu hỏi: liệu tin xấu chính là tin xấu hay tin xấu là tin tốt?'...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (6/9), với chỉ số S&P 500 hoàn tất tuần mất điểm sâu nhất kể từ tháng 3/2023, do nhà đầu tư bi quan về báo cáo việc làm tháng 8 và bán tháo cổ phiếu công nghệ. Giá dầu thô cũng lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2023 dưới áp lực từ mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 1,73%, còn 5.408,42 điểm. Chỉ số Nasdaq “bốc hơi” 2,55%, còn 16.690,83 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 410,34 điểm, tương đương giảm 1,01%, còn 40.351,41 điểm.

“Phiên giảm này chủ yếu do yếu tố tâm lý chi phối. Giá cổ phiếu đương đầu với mối lo tăng trưởng kinh tế. Thị trường bị giằng co giữa hai câu hỏi: liệu tin xấu chính là tin xấu hay tin xấu là tin tốt? Một tia hy vọng lại đang nổi lên rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sẽ giảm lãi suất quyết liệt hơn so với những gì thị trường kỳ vọng”, chiến lược gia trưởng Emily Roland của công ty John Hancock Investment Management nhận định với hãng tin CNBC.

Bị xả mạnh nhất trong phiên này là các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn, do nhà đầu tư muốn tháo chạy nhanh khỏi những tài sản có độ rủi ro cao hơn. Cổ phiếu Amazon giảm 3,7%; Alphabet giảm 4%; Meta trượt hơn 3%; Broadcom mất hơn 10%; AMD và Nvidia đều giảm hơn 4% mỗi cổ phiếu.

Báo cáo việc làm tháng 8 làm gia tăng mối lo về một thị trường việc làm suy yếu, tín hiệu của sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế. Bộ Lao động Mỹ cho biết khu vực phi nông nghiệp của nước này chỉ có thêm 142.000 công việc mới trong tháng 8, ít hơn nhiều so với con số dự báo 161.000 công việc mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước, còn 4,2%, phù hợp với dự báo.

Mấy tuần gần đây, nền kinh tế Mỹ có nhiều dữ liệu ảm đạm, làm dấu lên mối lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế và khiến tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư suy giảm.

Phiên ngày thứ Sáu khép lại một tuần đầy biến động ở Phố Wall, khi nỗi lo về suy giảm tăng trưởng kinh tế phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư. Cả tuần, S&P 500 giảm 4,3%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Nasdaq mất 5,8% trong tuần, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất từ năm 2022. Dow Jones mất 2,9%.

“Thị trường nói chung đang cố gắng xác định phương hướng, và phương hướng sẽ được quyết định bởi Fed” - nhà quản lý danh mục Charles Ashley của công ty Catalyst Capital Advisors - nói với CNBC.

Dù báo cáo việc làm tháng 8 xấu hơn dự báo, thị trường đã gia tăng đặt cược vào khả năng Fed chọn mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 18/9.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch hợp đồng lãi suất tương lai đặt cược khả năng 70% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp sắp tới, từ mức 60% của ngày hôm trước. Khả năng Fed chọn mức mức giảm 0,5 điểm phần trăm là 30%, từ mức 40% của ngày hôm trước.

“Liệu Fed có thể giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm ngay không? Câu trả lời là có, nhưng liệu Fed có làm vậy không? Câu trả lời là không. Có lẽ Fed sẽ bắt đầu với mức giảm 0,25 điểm phần trăm và để ngỏ khả năng giảm 0,5 điểm phần trăm cho những lần sau, thay vì giảm luôn 0,5 điểm phần trăm”, nhà kinh tế trưởng Brian Jacobsen của công ty Annex Wealth Management nhận định với hãng tin Reuters.

Chiến lược gia trưởng Karl Schamotta của công ty Corpay đồng tình với quan điểm trên. “Khả năng Fed giảm lãi suất nửa điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 là thấp. Nhưng với số liệu ngày hôm nay cho thấy thị trường việc làm xấu đi nhanh chóng, Fed có thể giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm ít nhất một lần trong những tháng tới”, ông Schamotta nói.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,63 USD/thùng, tương đương giảm 2,24%, còn 71,06 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 12/2021.

Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,48 USD/thùng, tương đương giảm 2,14%, còn 67,67 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 6/2023.

Cả tuần, giá dầu Brent giảm 10% và giá dầu WTI giảm khoảng 8%.

“Báo cáo việc làm cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ đang trượt dốc”, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau của ngân hàng Mizuho, ông Bob Yawger, nhận định với Reuters về phiên giảm này của giá dầu. Ông cho rằng mối lo về sự giảm tốc của nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc cũng gây áp lực mất giá lên “vàng đen”.

Tuần này, dầu thô còn đương đầu với sức ép từ thông tin Libya đang tiến gần tới một thỏa thuận nhằm kết thúc tình trạng bế tắc chính trị - nguyên nhân khiến hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu của nước này ngưng trệ.

Trong một báo cáo công bố ngày 6/9, nân hàng Bank of America đã giảm dự báo giá dầu Brent trong nửa sau của năm nay về 75 USD/thùng từ 90 USD/thùng trước đó. Cơ sở cho việc điều chỉnh dự báo này, theo Bank of America, là lượng dầu tồn trữ toàn cầu tăng, tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu chậm lại, và công suất khai thác dầu dự trữ còn lớn của liên minh OPEC+.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-va-dau-tho-dong-loat-ban-thao-sau-bao-cao-viec-lam-my.htm