Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng tăng mạnh tuần này

Vào ngày thứ Sáu, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed đã tìm cách kiềm chế sự lạc quan của thị trường...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhưng hoàn tất một tuần tăng mạnh mẽ, khi nhà đầu tư hoan nghênh việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tạm dừng tăng lãi suất và đón nhận số liệu lạm phát đáng khích lệ. Giá dầu thô tăng trong phiên này và chốt một tuần đi lên, bất chấp mối lo về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,37%, còn 4.409,59 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 108,94 điểm, tương đương giảm 0,32%, còn 34.299,12 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,68%, còn 13.689,57 điểm.

Cả tuần, S&P 500 tăng 2,6%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3. Đến nay, chỉ số đã tăng 5 tuần liên tiếp, chuỗi tuần tăng dài nhất kể từ tháng 11/2021. Hiện tại, S&P 500 đã tăng hơn 26% kể từ mức đáy thiết lập vào tháng 11 năm ngoái.

Nasdaq đã tăng khoảng 3,3% trong tuần này, mạnh nhất kể từ tháng 3, và đã tăng 8 tuần không nghỉ - chuỗi tuần tăng dài nhất của chỉ số kể từ năm 2019.

Tính đến phiên ngày thứ Năm, cả Nasdaq và S&P 500 đều tăng 6 phiên liên tiếp. Trong tuần, cả hai chỉ số đều đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Trong khi đó, Dow Jones tăng gần 1,3% trong tuần này, đánh dấu tuần tăng thứ ba liên tục.

Tuần này, Fed đã có động thái chính sách tiền tệ đúng như mong đợi của giới đầu tư: giữ nguyên lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp. Fed phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, nhưng nhiều nhà giao dịch và chuyên gia kinh tế ở Phố Wall tin rằng Fed có thể sắp hoàn tất chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này. Kỳ vọng đó được củng cố khi trong tuần này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ cho thấy mức tăng thấp nhất trong 2 năm.

Vào ngày thứ Sáu, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed đã tìm cách kiềm chế sự lạc quan của thị trường. Thống đốc Fed Christopher Waller cảnh báo rằng “lạm phát lõi chưa giảm như kỳ vọng của tôi”. Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin, nói ông “thoải mái” với việc tiếp tục tăng lãi suất, xét tới việc lạm phát vẫn chưa trở lại mức 2% như mục tiêu mà Fed đề ra.

“Tôi cho rằng Fed sẽ tiếp tục ghìm sự lạc quan của thị trường và nói rằng: ‘Chúng tôi dự định tăng lãi suất thêm 2 lần, nhưng dĩ nhiên chúng tôi vẫn tùy thuộc và các dữ liệu kinh tế’”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA nhận định với hãng tin Reuters.

Cổ phiếu Adobe tăng 0,9% sau khi hãng phần mềm này công bố kết quả kinh doanh và dự báo vượt kỳ vọng của thị trường, tiếp nối xu hướng tăng của giá cổ phiếu công nghệ ở Phố Wall. Tuần này, cổ phiếu Nvidia - hãng sản xuất con chip đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) - tăng 10%, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 192%. Microsoft tăng 4,7% trong tuần này và lập kỷ lục trong phiên ngày thứ Năm. Cổ phiếu công nghệ là nhóm bị ảnh hưởng nặng nền nhất lúc đầu khi Fed bắt đầu tăng lãi suất. Giờ đây, lạc quan rằng Fed sắp dừng tăng lãi suất đã đưa nhóm này trở thành nhóm tăng mạnh nhất.

“Phố Wall vẫn lạc quan rằng AI sẽ không sớm thoái trào và nhà đầu tư sẽ còn ưa chuộng cổ phiếu Mỹ giữa lúc có sự thiếu đồng nhất về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Đợt tăng điểm này của chứng khoán Mỹ có vẻ đã hơi kéo dài một chút, nhưng vẫn đang có rất nhiều tiền đợi bên ngoài thị trường, đồng nghĩa xu hướng tăng của các cổ phiếu liên quan tới AI vẫ tiếp diễn, và đà tăng của S&P 500 có thể duy trì”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nói với hãng tin CNBC.

Ngày thứ Sáu mang đến nhiều tin tốt về lạm phát và kinh tế Mỹ . Kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng đã giảm trong tháng 6, với mức dự báo về áp lực giá cả trong 1 năm tới giảm xuống còn 3,3% từ 4,2% đưa ra trong cuộc khảo sát hồi tháng 5. Ngoài ra, chỉ số niềm tin tiêu dùng từ cuộc khảo sát của Đại học Michigan là 63,9 điểm, cao hơn dự báo 60,2 điểm mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Thứ Sáu cũng đánh dấu ngày giao dịch cuối cùng trước khi thị trường bước vào một kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài dài, với việc thị trường đóng cửa nghỉ lễ Juneteenth vào ngày thứ Hai.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,94 USD/thùng, chốt ở 76,61 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,16 USD/thùng, chốt ở 71,78 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu Brent tăng 2,4% còn giá dầu WTI tăng 2,3%.

Giá dầu tăng tuần này nhờ hy vọng về nhu cầu dầu gia tăng của Trung Quốc. Lượng dầu đầu vào của các nhà máy lọc dầu ở nước này đã tăng lên mức cao thứ hai trong lịch sử. Ngoài ra, nỗ lực hạn chế sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh cũng hỗ trợ cho giá dầu, trong đó có kế hoạch giảm sản lượng mà Saudi Arabia dự kiến giảm sản lượng vào tháng 7.

Truyền thông Nga ngày thứ Sáu đưa tin Thủ tướng Nga Nikolai Shulginov nói rằng khả năng giá dầu đạt khoảng 80 USD/thùng là thực tế. Ông Shulginov cũng nói xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ của Nga năm nay dự kiến giảm khoảng 400.000 thùng /ngày.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế do triển vọng các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) được dự báo sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tuần tới. Ngân hàng Trung ương châu ÂU (ECB) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất 22 năm vào hôm thứ Năm. Fed dự kiến tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm nay.

Lãi suất tăng có thể làm suy giảm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, từ đó ảnh hưởng bất lợi đến nhu cầu tiêu thụ dầu.

“Thị trường dầu sẽ còn bị chi phối bởi các phát biểu của giới chức Fed và các dữ liệu kinh tế”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-va-gia-dau-cung-tang-manh-tuan-nay.htm