Chứng khoán Mỹ vẫn phá kỷ lục giữa 'bão' thuế quan, Dow Jones vọt hơn 190 điểm
Bất chấp những tín hiệu leo thang từ chính sách thuế quan do Tổng thống Donald Trump khởi xướng, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn thiết lập kỷ lục mới khi nhà đầu tư tạm gác nỗi lo về bất ổn thương mại và kỳ vọng vào mùa báo cáo kinh doanh quý 2.
Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng khởi sắc trong phiên ngày 10/7 trong bối cảnh nhà đầu tư dường như “miễn dịch” với những thông tin về căng thẳng thương mại.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng mạnh nhất với 192 điểm, tương đương 0,43%, lên tới 44.650,64 điểm và ghi nhận mức cao chưa từng thấy. S&P 500 cộng 0,27% lên 6.280,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,09% lên 20.630,67 điểm, cùng thiết lập kỷ lục mới.

Cổ phiếu của hãng hàng không Delta Air Lines tăng vọt 12% trong phiên ngày 10/7. Ảnh:Tipranks
Đáng chú ý, phiên giao dịch bùng nổ này diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố áp mức thuế 50% đối với kim loại đồng nhập khẩu và hàng hóa từ Brazil, bắt đầu có hiệu lực từ 1/8.
Đáp trả động thái này của Tổng thống Trump, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tuyên bố sẽ có biện pháp tương xứng với mức thuế quan mới của Mỹ.
Cũng trong tuần này, ông Trump đã bắt đầu gửi thư áp thuế quan đến hơn 20 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản, và mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.
Bất chấp căng thẳng thương mại leo thang, thị trường Phố Wall vẫn tiếp tục phá kỷ lục, phục hồi sau đợt điều chỉnh hồi tháng 4.
Ở mức điểm hiện nay, chứng khoán Mỹ đã phục hồi hoàn toàn sau đợt lao dốc thê thảm hồi tháng 4, khi ông Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng. So với đầu năm nay, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ hiện tại đều đang trong trạng thái tăng vững chắc.
“Thật khó tin là định giá thị trường hiện tại còn cao hơn hồi đầu năm, xét đến tất cả bất ổn xoay quanh chính sách thuế quan, và giờ đây lại thêm một hạn chót vào đầu tháng 8 tới. Thị trường cổ phiếu không còn quá hoang mang trước những thông tin kiểu này”, ông Mike Dickson, Giám đốc nghiên cứu và chiến lược định lượng tại Horizon Investment, nhận định.
Đáng chú ý, cổ phiếu Nvidia tiếp tục thể hiện sức mạnh vượt trội khi tăng 0,8% trong phiên, đóng cửa với mức vốn hóa lần đầu tiên vượt ngưỡng 4.000 tỷ USD.
Cổ phiếu của hãng hàng không Delta Air Lines cũng nhảy vọt 12% sau khi công bố dự báo lợi nhuận quý 2 vượt kỳ vọng. Hiệu ứng tích cực nhanh chóng lan rộng trong nhóm cổ phiếu ngành hàng không, với United Airlines tăng 14,3%, American Airlines cộng 12,7%. Nhờ đó, chỉ số vận tải Dow Jones, được xem là “nhiệt kế” sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 2/2025.
Về số liệu kinh tế, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 5/7 chỉ còn 227.000 đơn, thấp hơn dự báo 235.000 của giới chuyên gia và là mức thấp nhất trong 7 tuần qua. Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý rằng con số này có thể bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Lễ Độc lập (ngày 4/7).
Chiến lược gia đầu tư trưởng Mark Luschini tại Janney Montgomery Scott đánh giá: “Thông tin tích cực từ Delta và dữ liệu việc làm đã giúp nhà đầu tư trở lại tâm thế chấp nhận rủi ro”. Ông cũng nhận định thị trường hiện ít bị tác động bởi các lo ngại lạm phát hay thất nghiệp liên quan đến thuế quan như trước.
Báo cáo việc làm công bố vào cuối tuần trước cũng góp phần hỗ trợ thị trường cổ phiếu tăng mạnh sau đợt bán tháo ồ ạt trong tháng 4.
Các chuyên gia tin rằng nếu báo cáo lợi nhuận quý 2 duy trì kết quả khả quan và nền kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy sức chống chịu tốt, thị trường chứng khoán sẽ giữ được đà đi lên bất chấp những bất ổn từ chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump.
Theo ông Chris Haverland, chiến lược gia toàn cầu tại Wells Fargo Investment Institute, mùa báo cáo lợi nhuận quý 2 sắp tới sẽ là thời điểm quan trọng để đánh giá cách các doanh nghiệp Mỹ phản ứng với môi trường thuế quan mới. “Thị trường đã phản ánh phần nào mức độ thích nghi, nhưng kết quả kinh doanh sẽ cho thấy thực tế rõ ràng hơn”, ông Haverland, nói.
Trong khi đó, biên bản cuộc họp tháng 6 cho thấy phần lớn các thành viên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng ảnh hưởng của thuế quan đối với lạm phát sẽ chỉ mang tính tạm thời hoặc ở mức khiêm tốn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, ông Alberto Musalem, cảnh báo rằng phải đến cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026 mới có thể đánh giá đầy đủ hệ quả của các mức thuế mới đối với lạm phát. Điều này phản ánh sự thận trọng của Fed trong việc ra quyết định điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới.
Phần lớn nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ không nới lỏng chính sách trong cuộc họp tháng 7 này. Theo công cụ FedWatch của CME Group, xác suất Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 9 hiện vào khoảng 64%.