Chứng khoán Mỹ xanh rực sau báo cáo lạm phát, giá dầu đuối sức
Phiên tăng này là sự nối tiếp xu hướng tăng rực rỡ của giá cổ phiếu ở Phố Wall kể từ khi bước sang tháng 11, đảo ngược tình trạng tụt dốc không phanh của thị trường trong quý 3...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (14/11), khi nhà đầu tư hào hứng vì số liệu lạm phát mới công bố làm gia tăng hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã có thể kết thúc chiến dịch tăng lãi suất. Giá dầu thô đi ngang trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông dịu bớt.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 489,83 điểm, tương đương tăng 1,43%, chốt ở mức 34.827,7 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,91%, đạt 4.495,7 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 4. Chỉ số Nasdaq tăng 2,37%, đạt 14.094,38 điểm.
Phiên tăng này là sự nối tiếp xu hướng tăng rực rỡ của giá cổ phiếu ở Phố Wall kể từ khi bước sang tháng 11, đảo ngược tình trạng tụt dốc không phanh của thị trường trong quý 3. Nếu tính từ đầu tháng, S&P 500 đã tăng 7,2%; Dow Jones đã tăng 5,4%; và Nasdaq đã tăng 9,7%. Với đà này, tháng 11 có thể sẽ trở thành tháng tăng mạnh nhất của thị trường kể từ đầu năm đến nay.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát được theo dõi rộng rãi nhất - đi ngang trong tháng 10 so với tháng 9, thay vì tăng 0,1% như dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
So với cùng kỳ năm ngoái, CPI toàn phần tháng 10 tăng 3,2%, từ mức tăng 3,7% ghi nhận trong tháng 9, và từ mức đỉnh của 41 năm là 9,1% thiết lập vào mùa hè năm ngoái.
CPI lõi, chỉ số không bao gồm thực phẩm và năng lượng, cũng thấp hơn so với dự báo vì tăng với tốc độ 4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong 2 năm và giảm từ mức tăng 4,1% của tháng 9.
Những số liệu này đẩy cao lạc quan của thị trường rằng Fed đã có thể dừng hẳn chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ đã triển khai từ tháng 3/2022 để chống lạm phát.
“Trên thị trường đang có một sự hy vọng lớn rằng lạm phát đang giảm nhiệt về mức mà Fed có thể dừng tăng lãi suất”, nhà quản lý danh mục Keith Buchanan của công ty Global Investments nhận định.
Sau khi báo cáo được công bố, thị trường lãi suất tương lai đặt cược khả năng gần 100% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 12 - theo dữ liệu từ công cụ CME FedWatch Tool.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sụt về mức 4,5%, từ mức hơn 4,6% của phiên trước. Hồi tháng 10, lợi suất của kỳ hạn này vượt 5% lần đầu tiên sau 16 năm.
Như thường lệ, công nghệ là nhóm cổ phiếu hưởng lợi nhiều nhất từ sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu. Điển hình là cổ phiếu Tesla với mức tăng hơn 6% trong phiên này.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,05 USD/thùng, chốt ở mức 82,47 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York đi ngang ở mức 78,26 USD/thùng.
So với mức giá đóng cửa hôm 6/10 - thời điểm trước khi Hamas mở cuộc tấn công nhằm vào Israel - là 84,58 USD/thùng, giá dầu Brent hiện đã thấp hơn trên 2 USD/thùng. Hôm 20/10, mối lo về chiến tranh ảnh hưởng tới nguồn cung dầu đã đẩy giá dầu Brent lên 93,79 USD/thùng.
Một số diễn biến dịu đi của xung đột đang khiến thị trường tin rằng nguồn cung dầu từ Trung Đông sẽ không bị gián đoạn bởi cuộc chiến này. Thay vào đó, vấn đề kinh tế vĩ mô toàn cầu đang trở lại là nhân tố chi phối diễn biến giá dầu.
“Phần bù chiến tranh của giá dầu đang mất đi, vì có vẻ như sẽ không có sự gián đoạn nguồn cung nào”, nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhận định.
Các nhà giao dịch đang kỳ vọng rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 5/2024, và sự dịch chuyển sang mềm mỏng này có thể kích thích hoạt động kinh tế và kéo nhu cầu tiêu thụ dầu tăng theo.
Kỳ vọng lãi suất này cũng khiến đồng USD giảm giá xuống mức thấp nhất 2 tháng rưỡi, hỗ trợ giá dầu vì năng lượng này được định giá bằng bạc xanh.