Chứng khoán ngày 14/7: Nên chú ý cổ phiếu GVR, SAB, VSC
Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 14/7.
Mở vị thế mua GVR tại ngưỡng 11.000-11.500 đồng/cp
CTCK Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BSC): GVR đang trong xu hướng hình thành mô hình 2 đáy. Thanh khoản cổ phiếu vẫn ở đang quay trở lại ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên.
Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD vẫn đang ủng hộ xu hướng tích lũy ngắn hạn. Đường giá cổ phiếu cũng đã đang nằm dưới dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn chưa hình thành.
Như vậy, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể mở vị thế tại vùng giá 11.000-11.500 đồng/cp, chốt lãi tại ngưỡng giá 14.000 đồng/cp và cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 11.000 đồng/cp.
Khuyến nghị nắm giữ SAB với giá 157.000 đồng/cp
CTCK Phú Hưng (PHS): Kênh off-premise (phân phối mua về nhà) là động lực chính cho tăng trưởng của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HoSE: SAB) trong năm 2020.
Để giành thị phần tại kênh phân phối này, SAB đã tung ra sản phẩm mới là bia Lạc Việt theo công thức của các nghệ nhân Việt đồng thời cung cấp một số ưu đãi cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.
Ngoài ra, SAB cũng có kế hoạch cải thiện kênh thương mại hiện đại và phát triển kênh thương mại điện tử riêng. SAB sẽ tiếp tục gia tăng độ phủ tại khu vực nông thôn và đẩy mạnh danh mục sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài bởi tỷ trọng doanh thu xuất khẩu của Sabeco chỉ chiếm 2% trong tổng doanh thu.
Theo ước tính của PHS, sản lượng tiêu thụ bia của SAB trong năm 2020 đạt 1,41 tỷ lít (giảm 25% so với năm trước) nhưng tăng 11% so với mức kế hoạch và giá bán trung bình của SAB không tăng trong năm nay.
Từ đó, PHS ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của SAB trong năm 2020 lần lượt đạt 27.850 tỷ đồng (giảm 27% so với năm 2019) và 4.799 tỷ đồng (giảm 11%) với giả định biên lãi gộp được cải thiện ở mức 29% do chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm.
Trong năm 2020, PHS ước tính sản lượng tiêu thụ bia của SAB chiếm 38% của toàn ngành và vẫn duy trì vị trí dẫn đầu.
Qua đó, PHS khuyến nghị nắm giữ SAB với giá mục tiêu 157.000 đồng/cp.
Khuyến nghị tích lũy VSC với giá 28.000 đồng/cp
CTCK Rồng Việt (VDSC): Kỳ vọng sự cải thiện trong hiệu quả hoạt động của CTCP Container Việt Nam (HoSE: VSC)là chìa khóa giúp lợi nhuận chống lại ảnh hưởng tiêu cực của việc sụt giảm thông lượng container.
VDSC dự phóng biên lợi nhuận gộp và tỷ suất EBIT sẽ tăng lần lượt 1,7 điểm % và 1,5 điểm %. VDSC nhận thấy các khả năng để VSC cải thiện biên lợi nhuận, từ mức thấp lịch sử trong năm 2019, nhờ vào các biện pháp quyết liệt của công ty trong việc kiểm soát chi phí cùng với kỳ vọng sự cố trùng lịch tàu sẽ ít xảy ra hơn trong năm 2020.
Bên cạnh đó, VDSC cũng kỳ vọng thành viên HĐQT mới, cùng với những kinh nghiệm lâu năm của họ trong hoạt động khai thác kho bãi, sẽ tăng cường quản trị doanh nghiệp thông qua kiểm soát chi phí, qua đó cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động.
VDSC cũng dự báo lãi sau thuế năm 2020 của VSC đạt 250 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm trước bất chấp việc phải đối mặt với rủi ro giảm sản lượng nhờ vào biên lợi nhuận cao hơn, chi phí tài chính giảm mạnh, và chi phí thuế thấp hơn đáng kể so với năm 2019.
Cùng với sự phục hồi tâm lý của nhà đầu tư khi Covid-19 dường như được ngăn chặn thành công tại Việt Nam, giá cổ phiếu VSC đã tăng hơn 40% từ mức thấp (so với 28% của VN-Index).
Điều này khiến mức định giá hiện tại ít hấp dẫn hơn trên cơ sở thu nhập trong tương lai dài hạn dự báo chịu nhiều ảnh hưởng từ Covid-19, các tranh chấp thương mại chưa được giải quyết và đặc biệt là rủi ro cạnh tranh từ cảng nước sâu.
Qua đó, VDSC khuyến nghị tích lũy VSC với giá mục tiêu 28.000 đồng/cp.