Chứng khoán ngày 29/6: Nên mua cổ phiếu nào?
Các công ty chứng khoán đã đưa ra những khuyến nghị gì cho cổ phiếu VNM, VCS và PNJ trong phiên ngày 29/6?
VNM: Kỳ vọng hồi phục vào giai đoạn cuối 2023, tiếp tục chính sách trả cổ tức cao
Chứng khoán VietinBank (CTS): Vinamilk tiếp tục nằm trong danh sách 10 công ty lớn nhất Việt Nam và là công ty dẫn đầu trong ngành sản xuất đồ uống, các sản phẩm từ sữa, với thị phần đạt khoảng 50%, trong đó theo báo cáo thường niên Vinamilk sẽ hướng tới thị phần 56% vào năm 2026.
Vinamilk tiếp tục duy trì chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn hàng năm với mức chi trả khoảng 40% tính trên mệnh giá, với trung bình 3 đợt chi trả cổ tức trong năm, tương đương tỷ suất cổ tức là trung bình đạt 4- 5%/năm. Trong năm 2022, công ty sẽ chi trả cổ tức đạt 3.850 đồng/cổ phiếu, lần cuối là vào tháng 8/2023.
Vinamilk đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng doanh thu bằng cách xuất khẩu các sản phẩm sữa của mình, trong đó có thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc. Bên cạnh đó Vinamilk cũng đang tham gia vào thị trường sản xuất thịt bò với dự kiến doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng khi đi vào hoạt động.
Vinamilk trải qua năm 2022 đầy khó khăn do áp lực từ việc tăng giá nguyên liệu, (ghi nhận tăng từ 30-50%), cùng với chi phí vận chuyển logistic vẫn đang duy trì ở mức cao so với các nước trên thế giới (ước tính khoảng 20% GDP), trong khi giá bán tăng khoảng 3%. Điều này làm biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp so với năm trước (2021), trong khi tổng doanh thu ghi nhận sụt giảm nhẹ. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đây là khó khăn chung của ngành sữa trong năm 2022, khi theo báo cáo của hiệp hội sữa Việt Nam hầu hết các doanh nghiệp sữa đều tăng giá bán của mình thêm 3-5% để làm giảm áp lực chi phí sản xuất, bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Chúng tôi dự báo nửa cuối năm 2023, VNM sẽ được hưởng lợi từ việc giá nguyên liệu giảm: (1) giá sữa bột giảm mạnh và đang ở nền giá thấp của 5 năm, hiện tại đang được ghi nhận ở mức giá 3.230 (USD/MT,FAS), giảm 32% svck, (2) giá đường dự báo giảm 12% do nguồn cung từ Brazil tăng trở lại (theo Reuters), cho dù đường đóng góp không đáng kể vào cơ cấu nguyên vật liệu. Ngoài ra, VNM còn có một công ty con là Vietsugar trong chuỗi cung ứng của mình nên có thể kiểm soát ổn định giá đường.
Chúng tôi đánh giá, giá điện tăng 3% có tác động đến giá vốn hàng bán của Vinamilk, tuy nhiên tác động này là không đáng kể. Do chi phí chính vẫn là thức ăn (chiếm khoảng 60-70%), chi phí nhân công. VNM là một trong những công ty theo đuổi mô hình ESG để phát triển bền vững từ lâu, bằng việc sử dụng năng lượng tái tạo, điện mặt trời tại các trang trại nuôi bò sữa của mình. Tính tới thời điểm hiện tại, Vinamilk đã trang bị được hệ thống điện mặt trời tại 12 trang trại bò sữa của mình, theo ước tính có thể giúp tái tạo gần 70 triệu kwh điện mỗi năm (tỷ lệ sử dụng năng lượng xanh và sạch trong hoạt động sản xuất đạt 87%). Do vậy khi giá điện tăng sẽ không quá ảnh hưởng tới chi phí vận hành mà Vinamilk phải trả.
Giá xăng dầu giảm theo chúng tôi đánh giá có thể là tín hiệu tích cực đối với Vinamilk khi chi phí logistic sẽ thấp hơn do trong năm 2022 biên lợi nhuận Vinamilk bị thu hẹp một phần từ chi phí vận chuyển tăng đến từ áp lực từ giá xăng dầu tăng cao, tuy nhiên, tác động chỉ có thể rõ ràng, nếu giá xăng dầu neo giá ở vùng giá thấp trong dài hạn do (1) các công ty lớn như Vinamilk thường ký hợp đồng và chốt giá dài hạn, thường là 3 tháng, (2) áp lực từ biến động, nguồn cung dầu thô thế giới có thể khiến giá xăng dầu trong nước bật tăng trở lại, hiện tại các tổ chức trên thế giới đang dự báo giá dầu thô có thể chạm phức 95-100 USD trong năm nay.
Với sản phẩm sữa đặc thì Vinamilk đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa với hai sản phẩm chính là sữa đặc và Ngôi Sao Phương Nam, bên cạnh đó các đối thủ cạnh tranh cũng không tập trung vào mảng thị phần này do nhu cầu của thị trường là không lớn. Tuy nhiên với các sản phẩm chính khác là sữa tươi, sữa chua và sữa bột có sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm nhập ngoại và từ chính các đối thủ trong nước như TH True Milk, Nutifood, Dutch Lady.
Nguyên nhân dẫn đến sự canh tranh ở mảng thị phần này một phần là do các sản phẩm từ công ty khác đa dạng mẫu mã, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh, một phần là do thị hiếu người tiêu dùng khi họ không quá khắt khe về sự lựa chọn các sản phẩm thay thế, cũng như vấn đề về giá, bên cạnh đó, các đối thủ cạnh tranh của Vinamilk cũng là những tên tuổi lớn trên thị trường trong và ngoài nước, đã xây dựng được niềm tin về chất lượng ở thị trường Việt Nam một thời gian dài.
Nhằm tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường sữa, trong năm 2022, Vinamilk đã nghiên cứu 15 sản phẩm mới, cải tiến 40 sản phẩm, 16 sản phẩm xuất khẩu từ nhiều phân khúc từ phổ thông đến cao cấp, tính đến hiện tại công ty có gần 250 sản phẩm từ sữa các loại, tiếp tục dẫn đầu là công ty sữa với thị phần số 1 trong nước.
Đồng thời, hệ thống phân phối của Vinamilk cũng đạt hơn 230.000 điểm trên toàn quốc, trong đó có gần 650 cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt, nhằm giúp đưa các sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Hoạt động bán hàng phủ khắp tất cả các tỉnh thành, sự đa dạng trong kênh phân phối được chúng tôi đánh giá là lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong ngành. Ngoài ra, Vinamilk còn xuất khẩu các sản phẩm của mình tới gần 60 quốc gia trên thế giới, và tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận của mình trong những năm gần đây.
Chúng tôi kết hợp 2 phương pháp định giá bao gồm phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF và phương pháp so sánh chỉ số PE. Giá trị cổ phiếu được xác định ở mức 79.000 đồng. Doanh thu của Vinamilk ước tính đạt 62.350 tỷ đồng, gần bằng kế hoạch đặt ra của Vinamilk trong năm 2023. Lãi gộp tặng nhẹ lên hơn 25 nghìn tỷ đồng nhờ được hưởng lợi từ chi phí nguyên liệu sữa bột.
Chi phí bán hàng và doanh nghiệp tăng nhẹ so với năm 2022, do công ty tăng cường tiếp thị quảng cáo, marketing các sản phẩm mới, nhằm tăng doanh thu của công ty trên thị trường nội địa. Theo đó, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế của Vinamilk tăng nhẹ so với năm 2022, đạt khoảng 8.772 tỷ đồng, tương ứng với mức thu nhập trên mỗi cổ phiếu khoảng 4.130 đồng/cổ phiếu.
PNJ (Khuyến nghị Mua): Bắt đầu phục hồi từ Q4/2023
Chứng khoán Yuanta: Doanh thu bán lẻ giảm -8,7% YoY trong 5T2023. Tuy nhiên, kết quả yếu kém này vẫn vượt trội so với thị trường, vì một số cửa hàng trang sức nhỏ lẻ cho biết lưu lượng khách hàng đã giảm 30-40% YoY trong hai tháng qua. Ngoài ra, doanh thu bán sỉ của PNJ giảm -27,0% YoY và doanh thu vàng 24k giảm nhẹ -1,4% YoY trong 5T2023, trong khi doanh thu khác tăng +27,5% YoY.
Trong 5T2023, tổng doanh thu đạt 14,3 nghìn tỷ đồng (-8,4% YoY) và LNST đạt 970 tỷ đồng (-3,5% YoY). Cho đến nay, PNJ đã hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu năm 2023 của công ty là 35,6 nghìn tỷ đồng và 50% kế hoạch LNST là 1,9 nghìn tỷ đồng, mục tiêu này thận trọng hơn so với dự báo của chúng tôi.
Biên lợi nhuận vẫn ở mức cao. Biên lợi nhuận gộp 5T2023 đạt 19,0% (+1,2ppt YoY) và biên lợi nhuận ròng là 6,8% (+0,3ppt YoY).
Tính từ đầu quý 2 cho đến nay, PNJ đã hoàn thành 54% dự báo doanh thu và LNST Q2/2023 của chúng tôi. Chúng tôi kỳ vọng doanh thu Q2/2023 của PNJ sẽ đạt 8,3 nghìn tỷ đồng (-15% QoQ/+3% YoY) và LNST Q2/2023 đạt 440 tỷ đồng (-45% QoQ/ +12% YoY)
Chúng tôi tin rằng nhu cầu vàng vẫn còn. Vàng vẫn là kênh đầu tư truyền thống được nhiều người quan tâm – điều này khó có thể thay đổi trong vài thập kỷ tới. Trong ngắn hạn, việc Fed tạm ngừng tăng lãi suất hoặc “xoay trục” có thể thúc đẩy giá vàng và dẫn đến nhu cầu mua vàng để đầu tư tăng lên.
Sức mua của người tiêu dùng có thể tăng lên nhờ giảm chi phí vay nợ trong 2H23. Kết quả yếu kém của PNJ phản ánh những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam và sự sụt giảm trong sức mua ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, việc dần điều chỉnh lại lãi suất thả nổi trong 2H23 sẽ làm tăng tổng thu nhập khả dụng của tầng lớp trung lưu.
Do đó, chúng tôi cho rằng kết quả yếu kém của PNJ sẽ tiếp tục kéo dài cho đến Q3/2023 và bắt đầu phục hồi từ Q4/2023. Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2023E sẽ đạt 37,6 nghìn tỷ đồng (+11% YoY) và LNST 2023E đạt 2,2 nghìn tỷ đồng (+21% YoY) với mảng bán lẻ và vàng 24k là hai động lực chính.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 101.700 đồng, tương ứng với tỷ suất sinh lời 12 tháng +42%. PNJ đang giao dịch ở mức PE 2023E hợp lý là 10,9x với ROE 2023E là 26,5%.
VCS (Khuyến nghị Mua): Đón đầu cơ hội phục hồi
Chứng khoán Vietcombank (VCBS): VCS công bố KQKD kém khả quan trong Q1.2023. Trong 3 tháng đầu năm, DT sụt giảm đạt 1,034 tỷ đồng (-35.9% yoy) và LNST đạt 190 tỷ đồng (-49% yoy). Sự sụt giảm đến từ nhu cầu suy yếu của thị trường xuất khẩu và nội địa trước bối cảnh lãi suất tăng cao gây ảnh hưởng tới thị trường bất động sản dân dụng.
Triển vọng:
1) VCS là doanh nghiệp xuất khẩu đá thạch anh nhân tạo hàng đầu tại Việt Nam, trong đó nhu cầu ốp lát đá thạch anh nhân tạo tại Mỹ luôn được ưa chuộng nhất trong các sản phẩm ốp lát với quy mô thị trường còn nhiều tiềm năng trong dài hạn.
2) Nhu cầu tăng trở lại trong bối cảnh thị trường bất động sản tại Mỹ có dấu hiệu phục hồi mạnh trong quý 2 giúp cho VCS có thể bắt đầu tăng trưởng trở lại từ Q3.2023.
3) Giá đầu vào là giá dầu, giá resin giảm hỗ trợ cho biên lợi nhuận của VCS.
Rủi ro: 1) Rủi ro tới từ nhu cầu gạch ốp lát tiếp tục suy yếu trong bối cảnh lãi suất toàn cầu đặc biệt tại Mỹ và EU neo giữ ở mức cao. 2) Giá năng lượng tăng trở lại gây áp lực sụt giảm biên lợi nhuận. 3) Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm đá thạch anh nhân tạo của Việt Nam
Đánh giá: VCBS cho rằng kết quả kinh doanh của VCS sẽ tăng trưởng trở lại từ Q3.2023 trong bối cảnh nhu cầu ốp lát tại Mỹ trở lại khi thị trường bất động sản ấm dần lên và giá đầu vào giảm hỗ trợ cho biên lợi nhuận. VCS có vị thế tài chính an toàn với dòng tiền ổn định và cổ tức duy trì ở mức cao. Với phương pháp Định giá so sánh P/E và Chiết khấu dòng tiền FCFF, chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VCS với giá mục tiêu là 77.000 đồng (+25%).