Chứng khoán ngóng các gói kích cầu
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ đầu năm 2020 tới nay có nhiều biến động đáng kể. Trên cả hai sàn, các chỉ số đều tăng trước kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020, sau đó lại giảm mạnh khi dịch Covid - 19 bùng phát.
Dịch Covid - 19 đã khiến TTCK thế giới trải qua chuỗi ngày u ám nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hậu quả là gần 6.000 tỷ USD đã "bốc hơi" trong tổng giá trị thanh khoản trên toàn cầu. Xu thế trượt dốc này chưa có dấu hiệu chậm lại khi các chỉ số chứng khoán chủ chốt của TTCK châu Âu giảm từ 3 - 5%; trong khi đà giảm liên tục của các khoản lợi tức từ trái phiếu Chính phủ Mỹ, lâu nay vốn được xem là tài sản an toàn nhất thế giới, tiếp tục xuống mức kỷ lục mới.
Còn chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) trong tuần cuối tháng 2/2020 giảm 9,4%, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2008, trước bối cảnh “làn sóng thứ hai” của bệnh dịch Covid - 19 diễn ra ở Hàn Quốc, Iran, Ý, giới đầu tư mới ý thức được nguy cơ nghiêm trọng của nó tác động đến kinh tế.
Chứng khoán tháng 2 gặp khó
Chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tuần đầu tháng 3 cũng là tuần giảm thứ 4 liên tiếp của chỉ số VN Index và cũng là tuần giảm thứ 5 trong 6 tuần gần nhất. Thậm chí những phiên cuối tháng 2, VN Index xuống sát ngưỡng 880 điểm, thấp nhất kể từ cuối tháng 10/2017. Nếu tính từ mốc 960,99 điểm kết thúc năm 2019 đến phiên 4/3 ở mốc 889,37, VN Index đã giảm tới 7,4%.
Ảnh hưởng từ Covid - 19 đã xóa sạch thành quả của thị trường trong năm 2019 (tăng 7,8%). Hai thực tế khó có thể chối cãi về thị trường trong tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua: Biên độ biến động mỗi phiên lớn kể từ năm 2018 và khối ngoại bán ròng 5 tuần liên tiếp, trong khi trước đó, khối nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mua ròng trong tháng 1/2020 khoảng 1.950 tỷ đồng.
VN-Index gặp khó khăn ở tháng 2 trong bối cảnh NĐT lo ngại về dịch Covid - 19 và triển vọng tăng trưởng kinh tế 2020. Kinh tế thế giới chao đảo, còn trong nước, Tổng cục Thống kê công bố diễn biến thời tiết bất thường và dịch Covid - 19 đã gây nhiều khó khăn cho ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Trong ngành công nghiệp, 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Vốn đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhịp hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã chậm lại do tác động của thiên tai, dịch bệnh và TTCK đã ngay lập tức phản ánh vào giá cổ phiếu.
Cụ thể, các chỉ số cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất trong tháng 2 đó ngành Công nghiệp giảm 3,26 điểm (tương ứng -1,85%) về mức 172,79 điểm; chỉ số ngành Xây dựng giảm 0,48 điểm (tương ứng - 0,41%) về mức 117,81 điểm. Nhóm DN dịch vụ lữ hành - hàng không, BĐS nghỉ dưỡng - khách sạn, bán lẻ, xuất khẩu (phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc), năng lượng - dầu khí được dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch cúm trong ngắn hạn. Trong số hàng nghìn DN niêm yết và đăng ký giao dịch trên hai sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ có 5 - 10% cổ phiếu đủ sức chống chọi và chiến thắng thị trường,
Kiếm cơ hội trong khủng hoảng
Ở thời điểm hiện tại, TTCK có thể cần nhiều thời gian hơn để ổn định trở lại, khả năng thị trường trong nước còn chịu tác động từ bên ngoài là khá cao, bên cạnh đó là hoạt động bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. VN-Index sẽ tiếp tục khó khăn ở tháng 3. Tuy vậy, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) Trần Hải Hà cho rằng, thiên tai hay dịch bệnh là điều mà con người khó có thể lường trước, nhưng khi rủi ro ập đến cũng là thời điểm để kiểm tra sức chịu đựng của từng chủ thể và nếu biết cách vượt qua thì sẽ trưởng thành hơn.
MBS cho rằng TTCK thường phản ứng sớm hơn do đó kịch bản lạc quan là thị trường sẽ có đáy vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5. Do đó, thị trường tháng 3 đâu đó vẫn nằm trong vùng "tâm bão" ảnh hưởng nhưng có thể sẽ là vùng trũng nhất trước khi thiết lập được vùng cân bằng mới. Tương tự, chứng khoán hiện nay bị ảnh hưởng, các cổ phiếu giảm giá nhiều, đây cũng là cơ hội cho các NĐT tích lũy cổ phiếu, và chứng khoán sẽ phục hồi nhanh khi dịch được khống chế.
Nhìn lại những biến cố từng tác động lớn đến nền kinh tế và TTCK trong lịch sử, thì ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế nói chung đã vững hơn rất nhiều, TTCK dù chịu tác động trực tiếp nhưng cũng mang tính ngắn hạn và nhiều khả năng sẽ sớm phục hồi.
Với việc kiểm soát dịch tốt, đồng thời với một số yếu tố tích cực với TTCK năm 2020 như; TTCK Việt Nam sẽ được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier 100 lên 30% khi Kuwait được chuyển sang rổ MSCI Emerging Market; diễn biến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã có những khởi sắc; kỳ vọng các ETFs mới dành cho cổ phiếu tài chính và cổ phiếu đã hết room ngoại sẽ được ký duyệt trong năm nay, Trung tâm Phân tích PSI đánh giá TTCK vẫn có nhiều cơ hội cho các NĐT trong năm 2020.
“Hiện đã có một số nước triển khai gói kích cầu nhằm đối phó với dịch Covid - 19. Cho dù Chính phủ chưa hạ mục tiêu tăng trưởng GDP và NHNN chưa xem xét gói kích cầu nhưng những chỉ đạo về hoãn, miễn giảm thuế, về tái cơ cấu các khoản nợ, hoãn, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất cho DN bị thiệt hại do dịch cúm gây ra đang được đẩy nhanh. Nếu như dịch sớm qua đi và gói kích thích nào đó được bổ sung tức thời sẽ giúp ích cho DN trong việc khôi phục kinh doanh” - chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hữu Bình chia sẻ.
Một số công ty CK cho rằng, sự phức tạp của dịch Covid - 19 tiếp tục gây ra khó khăn cho chứng khoán tháng 3, dù vậy định giá của nhiều cổ phiếu đang hấp dẫn trong ngắn hạn. Khi dịch Covid -19 qua đi, dòng tiền sẽ chảy mạnh vào thị trường. Các gói hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trường hồi phục tốt hơn. Việc cần làm của NĐT là rà soát danh mục và chiến lược đầu tư, xem trạng thái như thế nào, nếu tỷ trọng cổ phiếu hoặc sử dụng đòn bẩy quá cao thì cần điều chỉnh lại.
Ðặc biệt, đánh giá danh mục có thuộc những nhóm ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp từ dịch Covid - 19 hay không; chuẩn bị nguồn lực để có thể bổ sung vốn bình quân giá xuống, hoặc thay đổi chiến lược từ ngắn hạn sang trung và dài hạn, chờ đợi sự phục hồi tổng thể của vĩ mô cũng như cổ phiếu…
"Nguyên nhân của tình trạng khối ngoại bán ròng kéo dài: Thứ nhất là diễn biến dịch Covid -19 ngày càng phức tạp, đặc biệt đang lan nhanh tại Hàn Quốc - nơi xuất phát của dòng vốn lớn chảy vào thị trường Việt Nam. Thứ hai, yếu tố quan trọng nhất, là khối ngoại đang chuẩn bị tiền để rót vào các quỹ ETF vừa được Ủy ban CK Nhà nước cấp giấy chứng nhận gồm SSIAM VNFin Lead ETF và VFMVN Diamond ETF. Khối ngoại tập trung bán tại các bluechip, ngoài chuẩn bị tiền, còn nhằm nén giá để giúp các khoản đầu tư vào ETF sắp tới đạt hiệu quả tốt hơn." - Chuyên gia chứng khoán - TS Lê Đức Khánh
"Hiện số CTCK áp dụng lãi suất giao dịch ký quỹ (margin) ưu đãi, hay giảm phí chủ yếu là nhóm nước ngoài, có nguồn lực vốn dồi dào. Bên cạnh ý nghĩa hỗ trợ NĐT thì đây cũng là cách các công ty CK thu hút khách hàng để gia tăng thị phần môi giới. VASB đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ủy Ban chứng khoán (UBCK) kiến nghị giảm phí tại 2 sở giao dịch từ 0,03% ở thời điểm hiện tại xuống 0,01%.
Đề xuất: Giảm thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán từ 0,1% xuống 0,05%; Giảm thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn, cổ tức, lãi tiền gửi từ 5% xuống 3%... Ngoài ra, VASB cũng kiến nghị xem xét áp dụng các biện pháp nhằm tăng thanh khoản thị trường như nới rộng danh mục margin, giao dịch trong ngày, các sản phẩm mới như chứng quyền bán…" - Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam - VASB
"Về nhóm ngành được lợi đó là nhóm vật tư y tế, cơ sở điều trị thăm khám là tác động trực tiếp nhất. Ngoài ra, là một số ngành về tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, nhu yếu phẩm… (nhu cầu tích trữ lương thực thực phẩm để đối phó dài hạn hơn với dịch bệnh do sự hạn chế di chuyển và lo ngại lây lan). Các cổ phiếu phù hợp với chiến lược đầu tư giá trị thường nằm trong những ngành như sắt thép, ngân hàng, bảo hiểm, dầu khí." - Giám đốc Môi giới Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset Huỳnh Minh Tuấn
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chung-khoan-ngong-cac-goi-kich-cau-376942.html