Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 33 năm qua

Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8-1990 nhờ sự hội tụ một loạt yếu tố tích cực từ thu nhập doanh nghiệp cải thiện, nền kinh tế phục hồi và mức định giá cổ phiếu còn rẻ.

Bảng điện tử hiển thị điểm số của Nikkei 225 trước Sở giao dịch chứng khoán Tokyo ở Tokyo hôm 19-5. Ảnh: AFP

Bảng điện tử hiển thị điểm số của Nikkei 225 trước Sở giao dịch chứng khoán Tokyo ở Tokyo hôm 19-5. Ảnh: AFP

Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản tăng 0,77%, lên mức 30.808,35 điểm, cao nhất trong 33 năm qua. Lần cuối chỉ số này có mức điểm cao tương đương là thời kỳ điện thoại chưa thể gửi tin nhắn và Liên Xô vẫn còn tồn tại. Vào năm 1990, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và thậm chí được kỳ vọng sẽ soán ngôi đầu của Mỹ. Từ đầu năm đến nay, chỉ số Nikkei 225 tăng đến 18%,.

Động lực chắp cánh cho chứng khoán Nhật Bản trong thời gần đây không phải đến từ bất kỳ kỳ vọng nào về việc Nhật Bản trở về những ngày thịnh vượng của thập niên 1990 mà là những nhận định cho rằng cổ phiếu của doanh nghiệp ở đây đang được định giá rẻ.

“Thị trường này đã bị bỏ quên từ lâu. Nó giống như một đường băng dài, khi máy bay đã chạy đủ xa thì sẽ cất cánh”, Kei Okamura, nhà quản lý danh mục đầu tư chứng khoán Nhật Bản của Neuberger Berman nhận định.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản trở nên nổi bật trong bối cảnh giới đầu tư toàn cầu lo lắng về vấn đề nợ trần và rủi ro suy thoái kinh tế ở Mỹ cũng như đà phục hồi yếu ớt của của kinh tế Trung Quốc.

“Nhật Bản là thị trường chứng khoán yêu thích của tôi vào thời điểm này. Chúng tôi phân bổ 50% tỷ trọng tài sản cho cổ phiếu Nhật Bản trong lược đầu tư ở thị trường phát triển”, Jack Ablin, giám đốc đầu tư của Cresset Capital Management (Mỹ), đang quản lý khoảng 60 tỉ đô la nói.

Giá cổ phiếu ở Nhật Bản đã tăng bung qua các ngưỡng cản được ví như “nắp quan tài bằng sắt” khi lạm phát của Nhật Bản có dấu hiệu quay trở lại, doanh nghiệp đại chúng tăng chi trả cổ tức và sự chứng thực của tỉ phú Warren Buffett.

Tháng trước, Buffett, Chủ tịch của Berkshire Hathaway (Mỹ), tiết lộ tập đoàn của ông sở hữu nhiều cổ phiếu ở Nhật Bản hơn bất kỳ nước ngoài nào khác. Berkshire bắt đầu mua vào cổ phần của mỗi trong số năm tập đoàn thương mại lớn nhất của Nhật Bản từ ba năm trước. Gần đây, Berkshire tăng số cổ phần này lên 7,4% ở mỗi tập đoàn. Nhà đầu tư, tỉ phú 92 tuổi cho biết, bị thu hút bởi thu nhập tăng trưởng ổn định và mức cổ tức cao của các tập đoàn này.

“Chắc chắn, yếu tố Warren Buffett đã góp phần thúc đẩy chứng khoán Nhật Bản. Khi một nhà đầu tư huyền thoại quan tâm đến một quốc gia cụ thể, các nhóm nhà đầu tư khác cũng sẽ chú ý”, Homin Lee, nhà chiến lược vĩ mô cấp cao về châu Á của Lombard Odier nói.

Theo dữ liệu từ Japan Exchange Group, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 15,6 tỉ đô la cổ phiếu ở Nhật Bản trong tháng 4, mức cao nhất hàng tháng trong nhiều năm. Dữ liệu cho thấy nhà đầu tư tiếp tục tăng vị thế mua vào trong tháng 5.

Thời kỳ tăng trưởng cao của Nhật Bản đã qua từ lâu. Tuy nhiên, nước này cuối cùng cũng bắt đầu chứng kiến những dấu hiệu lạm phát ổn định hơn sau nhiều thập niên giảm phát và tăng trưởng kinh tế yếu ớt. Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản đã tăng 3,5% so với một năm trước đó.

Lãi suất của Nhật Bản đang ở mức thấp và thống đốc mới của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) dường như chưa có ý định tăng lãi suất sớm.

Lãi suất thấp khiến giá đồng tiền Nhật Bản suy giảm trong những năm qua. Đồng yen yếu đã giúp tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp Nhật Bản bao gồm các nhà sản xuất ô tô.

Eiji Kinouchi, nhà phân tích của Daiwa Securities, dự đoán đồng yen sẽ vẫn yếu vì các nhà đầu tư Nhật Bản có thể sẽ tăng mua trái phiếu nước ngoài với hy vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rốt cục sẽ cắt giảm lãi suất, một động thái có thể làm tăng giá trái phiếu chính phủ Mỹ.

Số liệu công bố trong tuần qua cho thấy, GDP quí 1 của Nhật Bản tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát ra suy thoái sau hai quí tăng trưởng âm liên tiếp.

Nhà lãnh đạo quá cố Shinzo Abe đã thúc đẩy nền kinh tế của đất nước sau khi được bầu làm thủ tướng vào năm 2012. Chính sách kinh tế mang dấu ấn của ông, “Abenomics” là sự kết hợp giữa chính sách nới lỏng tiền tệ của BoJ, chi tiêu của chính phủ và nỗ lực cải cách cấu trúc nền kinh tế Nhật Bản, bao gồm cả việc thay đổi luật lao động .

Chính sách này đã vấp phải một số hoài nghi. Việc tăng thuế tiêu dùng đã làm suy yếu nỗ lực của BoJ nhằm thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng bằng tiền rẻ. Trong khi đó, nỗ lực cải cách trường lao động của Nhật Bản đối mặt với nhiều rào cản. Nhưng Abenomics đã giúp ích cho quản trị doanh nghiệp ở Nhật Bản.

Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) cũng đã nỗ lực cải thiện các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp. Đầu năm nay, TSE biết khoảng một nửa số công ty niêm yết ở Nhật Bản có chỉ số P/B (giá thị trường so với giá trị sổ sách của cổ phiếu) dưới 1. Điều này cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản bị định giá thấp. TSE đã yêu cầu các công ty có mức định giá thấp phải đưa ra kế hoạch cải thiện giá cổ phiếu.

“Chúng tôi sẽ đẩy nhanh và tăng cường hơn nữa cải cách quản trị doanh nghiệp tại Nhật Bản. Chúng tôi cũng mong đợi nhiều công ty bổ nhiệm phụ nữ và tài năng nước ngoài vào hội đồng quản trị”, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết trong một bài phát biểu ở TSE hồi năm ngoái.

Okamura của Neuberger Berman cho rằng, các công ty Nhật Bản có còn nhiều cách để tăng giá trị cho cổ đông. Chẳng hạn, họ có thể tăng cường mua cổ phiếu quỹ, loại bỏ các cấu trúc sở hữu cổ phần phức tạp và tách các công ty con ra hoạt động độc lập.

Kelvin Leung, giám đốc danh mục đầu tư cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương của Robeco, nhận định có rất nhiều mặt tích cực từ cải cách quản trị doanh nghiệp ở Nhật Bản. Tuy nhiên, ông lưu ý giới đầu tư nước ngoài không nên mong đợi kiếm được tiền nhanh chóng ở Nhật Bản.

Masahiro Ichikawa, nhà chiến lược của Sumitomo Mitsui DS Asset Management, cảnh báo chỉ số Nikkei 225 có thể bắt đầu giảm khi các nhà đầu tư chốt lời, đồng thời cho biết thêm rằng thị trường chứng khoán Nhật Bản đã có dấu hiệu quá nóng.

Theo WSJ, Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chung-khoan-nhat-ban-tang-len-muc-cao-nhat-trong-33-nam-qua/