Chứng khoán Rồng Việt hoàn tất tăng vốn lên 2.100 tỷ đồng, bốn cá nhân nắm 62,22% vốn
Bốn đợt phát hành đã được hoàn tất, qua đó, giúp quy mô vốn điều lệ của Chứng khoán Rồng Việt tăng từ 1.050,1 tỷ đồng lên 2.100 tỷ đồng.
Tỷ lệ chào bán thành công cho cổ đông hiện hữu đạt 97%
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (mã VDS) vừa thông báo đã hoàn tất tăng vốn từ 1.050,1 tỷ đồng lên 2.100 tỷ đồng. Trong đó, toàn bộ 52,5 triệu cổ phiếu mới chào bán cho cổ đông hiện hữu đã phân phối được hơn 51,1 triệu cổ phiếu cho 2.489 cổ đông. Tỷ lệ chào bán thành công đạt 97,24%. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ cổ đông tham gia đợt phát hành chỉ xấp xỉ 55,3% khi chỉ có hơn 2.850/5.176 cổ đông mua cổ phiếu mới.
Gần 1,45 triệu cổ phiếu còn lại đã được chào bán cho 4 nhà đầu tư. Riêng số lượng cổ phiếu trên sẽ chịu hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán. Tổng cộng, Chứng khoán Rồng Việt thu về 575,8 tỷ đồng từ đợt phát hành.
Cùng phương án phát hành trên, VDSC còn chào bán cổ phiếu cho nhân viên theo chương trình ESOP cho 130 nhân sự cũng với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu/ Công ty chứng khoán này thu về 50,45 tỷ đồng từ việc phân phối cổ phiếu ESOP cho CBCNV.
Ngoài ra, VDSC phát hành 105,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 35% và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty đã tăng lên 210 triệu đơn vị, tương đương quy mô vốn điều lệ 2.100 tỷ đồng.
Bốn cá nhân sở hữu 62,22% vốn
Theo cơ cấu sở hữu được công bố, số lượng cổ đông VDSC hiện đã tăng lên 5.237 người. Trong đó, bốn cổ đông lớn sở hữu 62,22% vốn. Đây đều là các cá nhân và 2/4 người là người nội bộ của VDSC. Ông Nguyễn Miên Tuấn – Chủ tịch HĐQT cũng là cổ đông lớn nhất đang sở hữu gầng 36,6 triệu cổ phiếu, tương đương 17,4% vốn, nhỉnh nhẹ so với tỷ lệ 17,3% thời điểm trước phát hành. Bà Phạm Mỹ Linh – thành viên HĐQT sở hữu 11,65% vốn sau phát hành. Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Hiệp và ông Nguyễn Xuân Đô là hai cổ đông lớn, cùng nắm giữ 16,58% vốn VDSC.
Nhà đầu tư cá nhân cũng chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu cổ đông. Công ty chỉ có hơn 70 cổ đông tổ chức, sở hữu 1,43% vốn điều lệ công ty chứng khoán này. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài của VDSC cũng khá khiêm tốn, đạt 1,52%.
Chứng khoán là nhóm ngành đang huy động vốn trên thị trường sơ cấp khá sôi động. Trước VDSC, một số công ty chứng khoán khác như VNDirect, SSI, SHS đều đã hoàn tất tăng vốn với tỷ lệ chào bán thành công cao. Cả ba công ty trên đều tăng vốn mạnh 2-3 lần trong vài năm gần đây.
Làn sóng tăng vốn của các công ty chứng khoán đã diễn ra rầm rộ suốt hai năm qua. Tuy nhiên, VDSC lại là một trong các công ty “chưa vội tăng vốn”. Tại cuộc họp cổ đông năm 2021, ông Nguyễn Miên Tuấn, Chủ tịch HĐQT Rồng Việt cho biết mục tiêu chính của Công ty thời điểm đó là cải thiện chính mình, để có được nền tảng thật vững chắc, nên chưa tính đến chuyện tăng vốn.
Đứng từ vị trí của các cổ đông, việc tăng vốn cũng cần thời gian để chuẩn bị nguồn lực.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thanh khoản thị trường chứng khoán sụt giảm, đồng thời VN-Index cũng ghi nhận mức giảm hơn 20% và nằm trong top các chỉ số chứng khoán có mức giảm nhiều nhất thế giới. Những diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu hoạt động của Công ty đạt 438,9 tỷ đồng, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng chi phí hoạt động gia tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm (do chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính) khiến cho lợi nhuận trước thuế ghi nhận mức âm 136,2 tỷ đồng.