Chứng khoán sơ cấp 'tăng nhiệt'
Tấp nập doanh nghiệp huy động vốn, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), chào sàn…, thị trường chứng khoán sơ cấp Việt Nam sôi động ngay từ những ngày đầu năm.
Những đợt chào bán ngàn tỷ
Trong phiên giao dịch ngày 17/1, giá cổ phiếu VSC của Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship) tăng kịch biên độ trong phần lớn thời gian giao dịch. Đây cũng là ngày không hưởng quyền mua cổ phiếu trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Số tiền mà Viconship dự kiến huy động thêm từ cổ đông trong đợt chào bán là gần 1.334 tỷ đồng, nâng quy mô vốn điều lệ lên 2.668 tỷ đồng.
Phần lớn số tiền hàng ngàn tỷ đồng nêu trên sẽ được Viconship sử dụng để nhận chuyển nhượng thêm tối đa 44% vốn điều lệ doanh nghiệp sở hữu cảng Nam Hải Đình Vũ. Giữa năm 2023, Viconship đã chi 1.050 tỷ đồng để sở hữu 35% vốn tại đây, trong tổng cộng 84,66% vốn do Gemadept bán ra. Tìm bên bán để gom thêm cổ phần không khó, quan trọng là huy động được nguồn vốn cho phương án mua bán, sáp nhập (M&A).
Viconship không phải doanh nghiệp duy nhất huy động vốn cỡ ngàn tỷ đồng trong thời gian này. Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa kết thúc thời hạn nộp tiền mua mới ngay đầu tuần (15/1). Kết quả của đợt huy động vốn sẽ sớm được công bố những ngày tới. Doanh nghiệp bất động sản này dự kiến phát hành 101,7 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Công ty sẽ góp thêm 1.118,5 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An để doanh nghiệp này bổ sung vốn cho các công ty con thanh toán nợ trái phiếu, nợ vay tổ chức tín dụng…
Mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (ORS) thông báo chào bán thêm 100 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, để tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Danh sách cổ đông tham gia mua cổ phiếu chốt vào ngày 19/1. Nguồn vốn huy động sẽ được dùng để nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn để thực hiện các nghiệp vụ tự doanh, tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán, đồng thời thực hiện đầu tư bao gồm các kế hoạch góp vốn đầu tư, mua cổ phần/vốn góp hoặc thực hiện đầu tư vốn dưới hình thức khác.
Chỉ riêng trong lĩnh vực chứng khoán, đã có nhiều “gương mặt” rục rịch chuẩn bị cho hoạt động huy động vốn trên thị trường sơ cấp như Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1; Công ty cổ phần Chứng khoán SSI chào bán tối đa 151,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 10%...
Hàng loạt kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cũng được công bố, hay tiến gần đến ngày triển khai. Đó là thương vụ Công ty cổ phần Damsan (ADS) hoàn tất tăng vốn thêm 150 tỷ đồng để đầu tư góp vốn vào hai doanh nghiệp; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sao Mai Việt (UNI) phát hành riêng lẻ để tăng vốn từ 156 tỷ lên 556 tỷ đồng đầu tư, phát triển Dự án Viễn Liên tại Phú Quốc…
Thị trường IPO - niêm yết mới hứa hẹn sôi động
Trong các dự báo về thị trường IPO mới đây, hàng loạt công ty chứng khoán tại Hàn Quốc kỳ vọng xu hướng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng công ty và quy mô vốn hóa. Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán sơ cấp có nhiều cơ hội đi lên từ mức nền thấp các năm gần đây, không chỉ ở nhóm các doanh nghiệp huy động thêm vốn, mà còn ở thị trường IPO - niêm yết mới.
Số lượng các “tân binh” gia nhập sàn chứng khoán các năm qua liên tục đi lùi. Nhưng trong nửa đầu tháng 1/2024, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã đón thêm “tân binh” Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn và tới đây là Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công (TCI) hay Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post). Trên sàn UPCoM, đã có 7 doanh nghiệp mới đăng ký giao dịch từ đầu năm.
Riêng về hoạt động IPO, Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE bắt đầu mở bán cổ phiếu trong đợt chào bán lần đầu. Với giá chào bán 30.000 đồng/cổ phiếu, DNSE dự kiến huy động 900 tỷ đồng, nếu phân phối thành công 30 triệu cổ phiếu mới. Chỉ riêng đợt IPO này có thể giúp giá trị IPO năm nay vượt qua con số của năm 2023 - năm đạt mức thấp nhất trong 8 năm trở lại đây.
Trong những công bố mới đây tại Báo cáo thường niên, Tập đoàn Hoa Sen cũng nêu tham vọng IPO công ty con trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh nhựa (Công ty cổ phần Nhựa Hoa Sen), với thời gian dự kiến từ năm 2024 đến 2026, sau khi công ty con này được nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như chuẩn bị đủ nguồn lực và điều kiện thị trường cho phép.
Từ phía cơ quan quản lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết được huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban cho biết, một trong các giải pháp sớm thực thi là gắn IPO với niêm yết và rút ngắn thời gian IPO cũng như thời gian niêm yết.
Dù vậy, bên cạnh giải pháp thúc đẩy thị trường phát triển về quy mô, việc nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường luôn là nhiệm vụ của ngành chứng khoán được Bộ Tài chính giao phó hàng năm, nhất là khi bài học từ những chiêu tăng vốn ảo của doanh nghiệp niêm yết chưa hề cũ.
Ví như trường hợp của UNI, hồ sơ phát hành riêng lẻ cổ phiếu của doanh nghiệp này được thông qua sau lần nộp thứ ba. Hàng loạt nội dung như chi tiết phương án sử dụng vốn, người có lợi ích liên quan, tình hình thực hiện thủ tục cấp giấy phép của dự án… được Công ty trả lời bổ sung bằng văn bản tới cơ quan quản lý và công bố tới các nhà đầu tư.
Hoạt động quản lý chào bán chứng khoán đang chặt chẽ hơn trong khâu xét duyệt hồ sơ để thông tin đưa đến các nhà đầu tư minh bạch, đầy đủ, tránh tình trạng bất cân xứng thông tin trước các quyết định.
Ngay cả tại các doanh nghiệp vừa lên sàn, kế hoạch huy động vốn cũng được triển khai. Đơn cử, Siba Group (mã SBG) đang trong quá trình lấy ý kiến cổ đông về việc tăng vốn, bao gồm cả thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 100:46, bên cạnh “cơn mưa” cổ phiếu từ trả cổ tức (22%) và chia thưởng (32%). Phương án tăng vốn được công bố khi doanh nghiệp này niêm yết chưa đầy 2 tháng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chung-khoan-so-cap-tang-nhiet-d207435.html