Chứng khoán TCBS sắp chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 55%

Với việc sở hữu 94,17% vốn điều lệ TCBS, tương ứng hơn 200 triệu cổ phần, ngân hàng Techcombank sẽ được nhận khoản tiền từ việc chia cổ tức trên là 1.126 tỷ đồng.

HĐQT Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) vừa phê duyệt việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 54,94% theo tờ trình đã được phê duyệt tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.

Theo đó, với mỗi cổ phiếu, cổ đông công ty này sẽ nhận về 5.494 đồng. Danh sách cổ đông nhận cổ tức sẽ được chốt vào ngày thứ 10 kể từ ngày HĐQT ban hành Nghị quyết phê duyệt. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 1/8.

Hiện quy mô vốn điều lệ của TCBS ở mức xấp xỉ 2.177 tỷ đồng, tương ứng tổng số cổ phần là 217,69 triệu đơn vị. Như vậy, công ty chứng khoán này cần chi trả tổng cộng 1.196 tỷ đồng cho đợt cổ tức.

Với việc sở hữu 94,17% vốn điều lệ TCBS (tương ứng hơn 200 triệu cổ phần), ngân hàng Techcombank sẽ được nhận khoản tiền từ việc chia cổ tức là 1.126 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh tại TCBS, kết thúc quý 1/2024, công ty chứng khoán này ghi nhận tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 1.277 tỷ đồng, tăng 128% so với quý 1/2023. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) quý 1/2024 lần lượt đạt 14% và 8%. Doanh thu hoạt động đạt 1.694 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 1.160 tỷ đồng, lần lượt tăng 82% và 159% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, TCBS đặt mục tiêu doanh thu 6.420 tỷ đồng và lãi trước thuế 3.700 tỷ đồng, cùng tăng 22% so với thực hiện năm 2023. Như vậy sau quý 1/2024, công ty này đã thực hiện được 26% chỉ tiêu doanh thu và 31% mục tiêu lợi nhuận.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của ngân hàng Techcombank tháng 4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT TCBS Nguyễn Xuân Minh cho biết, công ty này đặt mục tiêu có 5 triệu khách hàng, lợi nhuận ở mức 5.000 tỷ đồng và vốn hóa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025.

Theo đó, để thực hiện được mục tiêu đề ra, TCBS đã khởi đầu với việc tập trung vào nhóm khách hàng trung lưu, giàu có. Nhóm này dù chiếm 20% dân số nhưng nắm tới 80% tổng tài sản tại Việt Nam.

Lý giải về mục tiêu trên, ông Nguyễn Xuân Minh nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng ấn tượng, trong khi đó, dân số trẻ, sử dụng nhiều công nghệ và ngày càng giàu lên. Đến năm 2030, mức sống của người dân Việt Nam sẽ còn cao hơn Malaysia, Indonesia,… Khi quốc gia giàu có hơn thì người dân sẽ sử dụng ngân hàng nhiều hơn và họ cần đến dịch vụ quản lý gia sản tốt hơn.

Giới siêu giàu Việt Nam sẽ có xu hướng đa dạng hóa tài sản, bên cạnh việc tích lũy vàng, bất động sản, tiết kiệm, họ còn đầu tư mạnh mẽ cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư và nhiều tài sản khác.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chung-khoan-tcbs-sap-chia-co-tuc-tien-mat-ty-le-55-post35858.html