Anh gia nhập CPTPP: Việt Nam hưởng lợi thế nào?

Anh là một đối tác rất quan trọng, do vậy, việc nước này gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm thị trường xuất khẩu hàng hóa cho Việt Nam.

Anh đã dành mức cam kết mở cửa thị trường đối với Việt Nam cao hơn so với các nước khác trong CPTPP. (Nguồn: Aseanbriefing)

Anh đã dành mức cam kết mở cửa thị trường đối với Việt Nam cao hơn so với các nước khác trong CPTPP. (Nguồn: Aseanbriefing)

Ngày 25/6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 ngày 25/6 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Với 459/460 đại biểu tán thành, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết.

Động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam và Anh tăng trưởng khởi sắc cùng đà tăng chung của thị trường. Tổng kim ngạch 5 tháng đạt gần 3,3 tỷ USD, tăng 23,2%.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 3 tỷ USD, tăng 26,6%. Nhập khẩu đạt 301,2 triệu USD, giảm nhẹ 2,2%. Thặng dư thương mại đạt 2,7 tỷ USD. Xuất khẩu sang Anh chậm lại trong những tháng gần đây (tháng 4, tháng 5) so với các tháng đầu năm (tháng 3, tháng 4).

Như vậy, Anh hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu, sau Hà Lan (xuất khẩu 5 tháng đạt gần 5 tỷ USD) và Đức (xuất khẩu 5 tháng đạt 3,2 tỷ USD).

Sau khi Anh gia nhập, các thành viên của CPTPP sẽ đóng góp 15% GDP toàn cầu, tương đương 12.000 tỷ Bảng Anh. Có thể thấy, sự kiện này mang lại lợi ích không chỉ từ góc độ kinh tế và thương mại, mà còn từ góc độ chính trị và chiến lược.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, cùng với việc gia nhập CPTPP, Anh đã có văn bản chính thức công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

"Việc này mang lại sự thuận lợi cho Việt Nam trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là điều tra chống bán phá giá. Đồng thời, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn so với hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Trong quá trình đàm phán, Anh đã dành mức cam kết mở cửa thị trường đối với Việt Nam cao hơn so với các nước khác trong CPTPP - cao hơn so với cam kết của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Anh (UKVFTA) - trong một số nội dung quan trọng với Việt Nam.

Bộ Công Thương nhận định: "Điều này tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam".

Cụ thể, Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực (các nước thành viên khác là 93,9%). Nhiều mặt hàng thế mạnh của ta như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... đều được hưởng mức cam kết tốt hơn so với UKVFTA.

Đơn cử như mặt hàng gạo, trong khuôn khổ CPTPP, Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên, lên 17.500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 (tức là năm 2030) trở đi (với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0%), gần gấp đôi lượng hạn ngạch gạo mà Anh cam kết chung cho các nước thành viên khác.

Hay mặt hàng cá ngừ, nước này cũng cam kết xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch và thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 7 năm với một số ít dòng thuế (mức cải thiện lớn so với hạn ngạch thuế quan chỉ ở mức trên 1.500 tấn/năm trong Hiệp định FTA song phương trước đây).

Khi Anh gia nhập CPTPP, nhiều mặt hàng thế mạnh của ta như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... đều được hưởng mức cam kết tốt hơn so với UKVFTA. (Nguồn: Cases).

Khi Anh gia nhập CPTPP, nhiều mặt hàng thế mạnh của ta như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... đều được hưởng mức cam kết tốt hơn so với UKVFTA. (Nguồn: Cases).

Tạo thêm thị trường mới cho Việt Nam

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Anh là một đối tác rất quan trọng đối với Việt Nam, do vậy, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm thị trường mới cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong quá trình đàm phán với Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Anh theo hướng Anh sẽ mở thêm việc tiếp cận thị trường cho Việt Nam ngoài các FTA song phương đã có, đặc biệt ngành thủy sản sẽ có được những thuận lợi rất lớn khi cam kết chính thức có hiệu lực.

Ông Ngô Chung Khanh nói: “Đây chính là một điểm sáng của hiệp định CPTPP, cùng đó nhiều nền kinh tế lớn cũng quan tâm và mong muốn gia nhập hiệp định này. Điều này thể hiện vai trò của hiệp định CPTPP ngày càng lớn mạnh và điều đấy chắc chắc tạo ra các động lực mới cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư quan tâm hơn tới các thành viên CPTPP, đặc biệt là Việt Nam".

Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng kỳ vọng sự tham gia của Anh vào CPTPP nhằm thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty thép Việt Nam (VNSteel) nhận thấy Anh tham gia hiệp định CPTPP mở ra nhiều cơ hội để ngành thép thúc đẩy xuất khẩu. Anh trước đây cũng là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và các tiêu chuẩn hàng hóa cũng tương đồng với EU.

Ông khẳng định: “Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu thép sang thị trường EU chiếm khoảng 23% tổng lượng xuất khẩu đi và là thị phần rất lớn. Do vậy, khi Anh tham gia hiệp định CPTPP các doanh nghiệp ngành thép sẽ tiếp tục có thêm các đối tác để thúc đẩy xuất khẩu".

Hiệp định CPTPP được ký kết năm 2018, có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Hiệp định gồm 11 nước thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam.

(tổng hợp)

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/anh-gia-nhap-cptpp-viet-nam-huong-loi-the-nao-276550.html