Chứng khoán thiếu hàng mới, khối ngoại kém mặn mà
Trong bối cảnh hiện nay, cùng với tiến trình thoái vốn Nhà nước ở nhiều doanh nghiệp sắp tới, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn.
“Thị trường chứng khoán muốn phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh tại cuộc “Đối thoại tháng 7” do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán vừa tổ chức.
Hiện, số lượng tài khoản nhà đầu tư trên thị trường gần 8 triệu, nhưng lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức rất khiêm tốn.
Ông Chi nhìn nhận đây là điểm chưa mạnh, chưa bền vững của thị trường mà Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận ra vấn đề này từ lâu, đã báo cáo Chính phủ và xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường giai đoạn tới là phát triển nhà đầu tư tổ chức.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện, mở ra hoạt động cho các dạng quỹ đầu tư, để dòng tiền từ họ vào nhiều hơn trên thị trường. “Chúng ta cần có quy định để khuyến khích, huy động được nguồn lực này vì còn dư địa rất lớn”, ông Chi cho biết.
Thị trường bị bán ròng vì không có yếu tố mới
Dưới góc nhìn của một tổ chức đầu tư gắn bó và có 30 năm kinh nghiệm trên thị trường Việt Nam, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam cho biết, trong bốn gần đây, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra 4 tỷ USD, trong đó, năm nay đã bán ròng hơn 2 tỷ USD.
Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ được nhiệt huyết với Việt Nam. “Dường như câu chuyện về Việt Nam gần đây không có yếu tố mới, yếu tố thú vị để thu hút sự quan tâm của dòng vốn đầu tư tài chính quốc tế, trong khi nhiều thị trường khác họ có”, ông Dominic Scriven thẳng thắn.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lưu ký chứng khoán cho rằng, rút vốn ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam là do không có nhiều cái mới trên thị trường, đặc biệt về hàng hóa.
Sau nhiều năm, tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua vẫn chậm. Khâu chào bán ra công chúng cũng hạn chế, thiếu các doanh nghiệp, tập đoàn mới, “các món hàng cũ đã rất nhiều năm”.
“Trong khi đó, với các nhà đầu tư quốc tế, có được mức tăng trưởng 10% là họ đã có thể hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư và các thị trường trong khu vực như Indonesia, Malaysia đang đáp ứng tốt yêu cầu này”, ông Sơn chia sẻ.
Hạn chế trong lộ trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước
Bổ sung thêm số liệu, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Group cho biết, tính đến ngày 17/7/2024, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu Việt Nam, sụt giảm đáng kể so với năm 2018
Tỷ lệ cổ phiếu được tự do chuyển nhượng trên thị trường Việt Nam ở mức tương đối thấp, ước tính 45,5%, mà một trong những lý do chính là Nhà nước đang nắm sở hữu đến 26% cổ phiếu trên thị trường.
Theo đó, cùng với tiến trình thoái vốn Nhà nước ở nhiều doanh nghiệp sắp tới, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn.
Đồng tình với báo cáo do ông Thuân, nhưng ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, nhà đầu tư tổ chức trong hay ngoài nước tham gia mua bán cổ phần nhà nước nước không dễ.
Họ rất muốn mua lại phần của Nhà nước và Nhà nước cũng muốn bán bớt cổ phần nắm giữ tại nhiều doanh nghiệp để tăng lượng cung hàng. Tuy nhiên, cách bán khó thu hút, do phải thực hiện đấu giá, công bố thông tin trước 20 ngày.
“Gần đây, SCIC tiếp cận một số quỹ đầu tư vùng Vịnh. Quan điểm của họ là thực hiện giao dịch thỏa thuận nhưng quy trình chúng ta lại là thực hiện đấu giá, không theo quy trình nước ngoài”, ông Tuấn nêu ví dụ về trở ngại và cho rằng, để gỡ vướng cho quy trình bán vốn, cần thay đổi phương thức bán và một số nội dung chính sách.
Chẳng hạn, Bộ Tài chính nên rà lại quy định sắp xếp sử dụng đất. Nếu coi đất của doanh nghiệp đều là thuê của Nhà nước thì sẽ dễ dàng hơn.
“Hiện nay, để thoái vốn, chúng tôi đều phải đề nghị doanh nghiệp sắp xếp lại đất. Có những doanh nghiệp lớn có đất tại 63 tỉnh, thành phố, như FPT và SCIC phải làm việc với cả 63 tỉnh. Hay thử hình dung, nếu thoái vốn MobiFone, Agribank thì sẽ thấy công việc sẽ lớn như thế nào”, ông Tuấn cho biết.
Trong khi đó, với những đợt thoái vốn lớn, nguồn vốn trong nước là không đủ và phải thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Ví dụ với FPT, với khẩu vị nhà đầu tư trong nước, thì việc thoái 6% vốn, tương đương hàng nghìn tỷ đồng là rất khó.