Chứng khoán Trí Việt báo lợi nhuận tăng gấp 4 lần, vẫn 'gồng lỗ' HPG

Kết quả kinh doanh khả quan của công ty một phần nhờ tiết giảm chi phí sau khi giảm quy mô hoạt động, tinh gọn lại đội ngũ nhân sự.

Khách hàng giao dịch tại Chứng khoán Trí Việt.

Khách hàng giao dịch tại Chứng khoán Trí Việt.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2023, CTCP Chứng khoán Trí Việt (mã TVB) mang về hơn 17 tỷ đồng doanh thu, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ cho vay và phải thu giảm hơn một nửa, còn hơn 7,2 tỷ đồng. Doanh thu từ môi giới chứng khoán và lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng giảm lần lượt 68% và 37%, đạt hơn 2,7 tỷ đồng và 1,7 tỷ đồng.

Điểm sáng là hoạt động tự doanh của TVB có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, với lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt gần 5,5 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần cùng kỳ.

Đáng chú ý, chi phí hoạt động của TVB giảm mạnh 95%, chỉ 661 triệu đồng. Nguyên nhân là do được cộng thêm chênh lệch tăng đánh giá lại tài sản 3,2 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 6 tỷ đồng; chi phí môi giới giảm 48% về gần 3.6 tỷ đồng.

Thêm vào đó, TVB còn giảm chi phí tài chính gần như giảm toàn bộ (99% so với cùng kỳ), về còn 55 triệu đồng; chi phí quản lý giảm 35% xuống gần 8,6 tỷ đồng.

Kết quả, TVB báo lãi sau thuế đạt hơn 6,5 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong báo cáo giải trình, TVB cho biết đây là kết quả của việc giảm quy mô hoạt động, tinh gọn nhân sự và quản trị tốt chi phí.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu và lãi sau thuế Chứng khoán Trí Việt đạt lần lượt 38 tỷ đồng và 7,6 tỷ đồng, đi lùi 65% và 81% so với cùng kỳ 2022. So với kế hoạch năm 2023, TVB thực hiện được 61% mục tiêu doanh thu và 45% mục tiêu lãi sau thuế.

Tính tới cuối quý 2/2023, TVB có quy mô tài sản hơn 946 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Công ty tăng nắm giữ tiền mặt, từ 100 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 300 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản cho vay giảm mạnh từ 378 tỷ đồng xuống 55 tỷ đồng.

Giá trị tài sản tài chính FVTPL là 110 tỷ đồng, tăng 16%. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư là MWG với giá gốc 69,6 tỷ đồng và tạm lỗ 1,8 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu NKG có giá trị gốc 17,4 tỷ đồng và tạm lãi 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, TVB còn đang nắm cổ phiếu HPG, FPT dưới dạng các tài sản tài chính sẵn sàng bán (AFS). HPG có giá trị gốc 159,5 tỷ đồng và tạm lỗ hơn 50 tỷ đồng. Nhờ sự hồi phục của HPG thời gian gần đây nên số lỗ của TVB với cổ phiếu này đã cải thiện nhiều. Hồi đầu năm, TVB ghi nhận đầu tư vào cổ phiếu Hòa Phát 171 tỷ đồng nhưng lỗ tới 54%.

Ngược lại, với cổ phiếu FPT, TVB đầu tư giá gốc với 178 tỷ đồng và tạm lãi 21 tỷ đồng.

Đáng chú ý, TVB có các khoản phải thu khác gần 482 tỷ đồng và giá trị trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi hơn 342 tỷ đồng. Các khoản phải thu khó đòi gồm CTCP Đầu tư Vĩnh Thành (127 tỷ đồng), CTCP Phát triển Đầu tư Việt Bắc (113 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Xây dựng Mạnh Cường (96 tỷ đồng), ông Phạm Thành Thái Lĩnh (4 tỷ đồng)…

Nợ phải trả của công ty giảm mạnh, từ mức hơn 130 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn hơn 9 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là nợ người lao động, chi phí phải trả khác. Trong 6 tháng đầu năm, công ty đã tất toán 113 tỷ đồng nợ trái phiếu và chỉ còn nợ lại hơn 1 tỷ đồng.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chung-khoan-tri-viet-bao-loi-nhuan-tang-gap-4-lan-van-gong-lo-hpg-post24634.html